Tính từ đường xích đạo về phía hai cực, khí hậu trên trái đất phân thành ba khu vực gồm: nhiệt đới, ôn đới và hàn đới
Vùng khí hậu nhiệt đới tác động đến một vùng diện tích rộng lớn tính từ đường xích đạo mở rộng khoảng 30 độ vĩ tuyến về hai phía tạo thành một vành đai khí hậu của địa cầu.
Các vùng khí hậu trên trái đất (Ảnh: Internet)
Do các tác động của con người, đặc biệt là phát thải khí nhà kính, cũng như sự nóng lên ở tầng thấp dưới đại dương vành đai này đang phình ra nhanh chóng về cả hai hướng. Kể từ năm 1979, nó đã mở rộng trong khoảng từ 56 km đến 111 km mỗi thập kỷ ở cả hai bán cầu và chưa có dấu hiệu dừng lại theo các dự báo mới nhất. Nếu tiếp tục với tỷ lệ hiện tại, đến năm 2100, về phía nam bán cầu, rìa của vùng nhiệt đới mới sẽ kéo dài đến gần cận dưới của lục đại Australia
Hệ quả là các khu vực ôn đới sẽ phải hứng chịu nhiều hơn các cơn lốc nhiệt đới. Không chỉ phá hoại, các cơn lốc này còn đẩy mây mưa ra khỏi các khu vực này, khiến lượng mưa giảm sút, gia tăng hạn hán làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây cối nói chung và an ninh lương thực nói riêng.
Các khu vực ôn đới sẽ phải hứng chịu các cơn lốc nhiệt đới và lượng mưa sụt giảm nghiêm trọng (Ảnh: Internet)
Trong khi đó, đối với các loài động vật, di cư là giải pháp để thích nghi. Nhưng khi các điều kiện của hệ sinh thái và đa dạng sinh học đang bị đe doạ thì không phải loài nào cũng có điều kiện để thích nghi hoặc thích nghi đủ nhanh. Chẳng hạn, phía Nam nước Úc là đại dương và do đó các các loài động thực vật không thể di cư để theo kịp xu hướng nóng và khô đang ngày càng tăng lên. Hệ quả là sự biến mất của các loài động thực vật bản địa, trong đó có kangaroo là điều chỉ còn là vấn đề thời gian.
Con người 30 năm tới có thể sẽ không còn được nhìn thấy loài động vật này nữa (Ảnh: Internet)
Các dự báo về biến đổi khí hậu trong tương lai của Úc bao gồm tăng nhiệt độ không khí và đại dương, mực nước biển tăng, ngày nóng hơn (trên 35°C), lượng mưa giảm ở các khu vực phía Nam lục địa và các hình thái thời tiết khắc nghiệt như lốc xoáy và bão sẽ gia tăng tần xuất xuất hiện
Dữ liệu của một mô hình thời tiết chỉ ra rằng, nếu nhiệt độ trung bình tăng 2 độ C, số lượng kangaroo sẽ sụt giảm 50% và ở mức tăng 6 độ C loài này sẽ hoàn toàn biến mất. Đây cũng là sự cáo chung của rất nhiều các loài động thực vật khác, theo một báo cáo công bố năm 2016, có khoảng 700 loài sẽ đứng trước nguy cơ biến mất do biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng với con người và đa dạng sinh học toàn cầu. Hai trong những mối đe dọa lớn nhất đến đa dạng sinh học toàn cầu là sự phá hủy môi trường sống và biến đổi khí hậu, và hai mối đe dọa này có tác động cộng hưởng. Hơn bao giờ hết chúng ta cần chung tay bằng những hành động dù nhỏ nhất để đẩy lùi những kịch bản tồi tệ trong tương lai.
Hoài Anh