Mình là người thích nghịch điện thoại, và mình tin rằng nhiều anh em cũng giống mình. Chúng ta có thể nghịch tính năng, nghịch camera, nghịch phần cứng, và một phần không thể thiếu đó là nghịch giao diện. Giao diện mình đã bắt đầu chơi từ những ngày đầu cầm Android với chiếc Motorola Milestone, rồi sau này qua LG Optimus 3D, các máy Nexus và mới nhất là HTC U Ultra cũng quậy banh nóc nhà. Nhưng sau một thời gian thử nghiệm, cài hết cái này tới cái kia, cả cách cần root lẫn không cần root, lại quay trở về với giao diện gốc của hãng cài đặt và nhận thấy đây mới là cái đẹp nhất. Đúng nghĩa đi thật xa để trở về. Vì sao lại như thế?
Giao diện gốc được tối ưu chung với thiết kế phần cứng
Có thể bạn không để ý nhưng những giao diện được làm ra đều đi chung với thiết kế phần cứng. HTC, LG, Sony, Samsung, ngay cả Apple cũng đều nhận biết được rằng thiết kế của một cái máy không chỉ là thiết kế công nghiệp, nó còn đến từ giao diện, từ phần mềm, và phần mềm mới là cái mà bạn sử dụng hằng ngày chứ không phải lúc nào cũng cầm phần cứng lên ngắm. Chẳng phải khi không mà Samsung dành hẳn 15 phút trong bài thuyết trình ra mắt Galaxy S6 của mình để nói về cách hãng đã làm phần mềm, icon. Mới đây khi ra mắt Galaxy S8 công ty cũng có một bài blog dài để nói về giao diện mới đã được thiết kế ra sao. Sony cũng từng đề cập đến giao diện mà họ sử dụng cho dòng Xperia.
Nhìn kĩ vào giao diện một số hãng phổ biến, bạn có thể thấy được chủ đích của họ khi để giao diện mặc định. Ví dụ, Galaxy S8 dùng rất nhiều phần trắng để làm nổi lên phần viền đen mỏng trên dưới, cũng là điểm nhấn quan trọng nhất trên cái điện thoại. Nếu làm giao diện màu tối, viền đen này không nổi bật và không tạo được cảm giác 'đã'. LG cũng tương tự, họ chọn giao diện sáng để làm nổi cái viền mỏng trên LG G6, bộ icon thì được làm bo bo một chút để tạo cảm giác mềm mại chứ không chặt góc cứng. Tất cả đều có chủ đích cả.
Và ngay cả wallpaper cũng được lựa chọn kĩ càng. HTC U Ultra được cài hình nền tùy theo màu máy bạn mua, Galaxy S8 cũng tương tự. Những hình nền đi kèm thường dùng để tôn lên cái đẹp của máy và ý tưởng chính. Vụ này không phải mới có mà từ vài năm trước đã xuất hiện nhiều rồi. Còn nhớ năm 2008 mình mua chiếc Nokia N81 màu xanh đen thì nó cũng được set hình nền cùng tông.
Nói ngắn gọn lại: giao diện của hãng được làm riêng cho máy của họ nên nó tạo được cảm giác tốt hơn, phần cứng và phần mềm hòa trộn với nhau ở mức độ mà theme bên ngoài khó làm được.
Giao diện gốc có sự thống nhất cao, hoặc có cách để đạt sự thống nhất đó
Lại ví dụ với Galaxy S8: mặc định mọi icon của S8 đều được bọc bởi một hình hơi tròn. Nhưng vấn đề là không phải icon nào cũng được làm theo kiểu này, Google Maps, Gmail dùng hình vuông, Telegram tròn sẵn, Evernote vuông vuông, mỗi app một kiểu. Nhìn vào giao diện rõ ràng là rối hơn và không tạo được sự thống nhất trên toàn bộ hệ thống, rất rối mắt. Thế là Samsung đưa chức năng bọc hình tròn cho tất cả những app bên thứ ba, vậy là vấn đề đã được giải quyết. Chuyện tương tự cũng diễn ra với chiếc Google Pixel.
Đúng hơn thì đây là nhiệm vụ của launcher, và không ít launcher bên thứ ba giờ cũng có thể làm trò này. Nhưng cái mình thích đó là mặc định các hãng đã nghĩ được tới điều đó, và họ đưa nó vào hệ thống theme của điện thoại để bạn không cần phải làm thủ công gì nữa.
Giao diện gốc giúp máy nhẹ nhàng (đa số)
Mọi phần mềm được các hãng làm ra đều được họ chăm sóc rất kĩ, họ tối ưu tới từng dòng code một để chạy ngon nhất trên nền tảng phần cứng mà họ sản xuất ra. Đây là chuyện mà chỉ các hãng làm được, những lập trình viên bên thứ ba cũng rất khó để có thể can thiệp được sâu vào bên trong. Đây cũng là lý do mà đa phần bộ giao diện mặc định chạy tương đối mượt hơn so với giao diện bên thứ ba cài vào. Anh em xài flagship có mạnh mạnh xịn thì không thấy rõ sự khác biệt này, nhưng khi mình cài Apex Launcher lên chiếc HTC Desire 10 Pro thì thấy rằng giao diện gốc chạy ngon hơn nên đành gỡ ra. Lúc thử với Nova thì tình hình ngon hơn, nhưng nếu đã không có sự khác biệt thì tại sao lại phải cài Nova vào làm gì trừ khi anh em xài những gesture hay các tính năng đặc biệt của nó.
Tất nhiên trải nghiệm này rất riêng, mình không chắc rằng tất cả anh em đều cảm thấy như vậy, nhưng mình vẫn tin vào khả năng tối ưu của hãng hơn. Vụ này mời anh em chia sẻ thêm ý kiến xem sao nhé.
Bạn không cần phải quan tâm nhiều quá tới giao diện nữa, vì bạn còn nhiều thứ khác phải làm
Thú thật thì một trong những lý do mình không còn nghịch theme nhiều như trước nữa là vì mình đã bận hơn, có nhiều việc phải làm hơn và mình không muốn phải tốn thêm thời gian cho những thứ chỉ để nhìn bắt mắt hơn. Mỗi khi cài theme mới, mình đổi khi phải đổi launcher, cài bộ icon từ Play Store, thử thử, nghịch nghịch, nếu phát hiện thấy bộ icon không hỗ trợ nhiều app lại phải đổi tiếp. Rồi sau đó còn phải chọn hình nền, tông màu phù hợp với icon nữa chứ.
Khi nghịch mấy thứ liên quan tới root thậm chí còn tốn nhiều thời gian hơn vì mình hay được xài điện thoại khác nhau, mỗi lần như vậy đều phải root máy cực lắm. Hồi trước còn rảnh rỗi thì làm được, giờ thì thua.
Giờ: đổi icon theo theme có sẵn, và hình nền
Tất nhiên, niềm vui và cái thú nghịch ngợm của mình vẫn không bỏ được
Bây giờ mình nghịch giao diện bằng cách đổi icon và theme nói chung chỉ bằng những công cụ có sẵn thôi. Ví dụ, HTC có HTC Themes, Sony có Xperia Themes, LG, Samsung cũng có hàng. Những theme đăng lên đây tuy không phong phú bằng trên Play Store nhưng mình có thể yên tâm chút chút là nó ngon, tốt và đa phần là có độ thẩm mỹ tốt, nhất là theme do các hãng tự thiết kế chứ không phải do bên thứ ba.
Mình cũng xài thêm một số app chuyên hình nền. Những ứng dụng này giúp mình tìm được hình độ phân giải cao cho cái điện thoại của mình mà không phải tốn nhiều thời gian lùng sục trên Play Store. Cái mình hay xài nhất là Backdrops. Mình mua hẳn bản Pro vì không thích quảng cáo và cho phép lưu hình nền để xài chung với các máy khác được. Anh em có quan tâm thì tải về Backdrops ở link này.
Đây là cái đẹp nhất của Android: khả năng tùy biến tùy ý thích
Nói gì thì nói, cái mình thấy đẹp nhất, hay nhất ở Android chính là việc bạn có thể tùy biến máy theo kiểu giao diện nào bạn thích đều được. Nếu có thời gian, bạn có thể chăm chút cho cái điện thoại của mình thật cá nhân, thật nổi bật. Còn nếu bận bịu, bạn vẫn có một số công cụ để thoải mái nghịch và đổi icon, hình nền nhằm tránh sự nhàm chán. Có lẽ cũng vì vậy mà khó bỏ Android