Theo thông tin từ thời báo Myanmar, Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông nước này (MCIT) có thể sẽ phải trì hoãn cuộc đấu giá phổ tần 2600MHz như đã định do xuất hiện một vài mâu thuẫn có liên quan đến việc liệu phổ tần có được phân bổ trước khi khung pháp lý về tần số được hoàn thiện tại nước này. Trước đó, MCIT đã công bố kế hoạch tiến hành bán đấu giá 140MHz trong băng tần 2600MHz vào cuối tháng 3 này.
Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, MCIT nhận thấy cần phải trì hoãn cuộc đấu giá này đến một thời điểm thích hợp hơn sau khi các mâu thuẫn được giải quyết và hành lang pháp lý cho việc phân bổ phổ tần đến nhà mạng được hoàn thiện.
Mâu thuẫn ở đây là: Trong khi nhà mạng đang nóng lòng được phân bổ phổ tần càng nhanh càng tốt để có thể đảm bảo các hoạt động của nhà mạng trước nhu cầu sử dụng dịch vụ đang tăng cao tại nước này thì lại có một số quan điểm cho rằng, lộ trình đấu giá phổ tần cần được hoàn thiện trước tiên để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm của các bên cần được nêu rõ và thực hiện đầy đủ.
Myanmar là một thị trường di động đang phát triển
Một thị trường di động đang phát triển
Myanmar là một thị trường di động đang phát triển. Hiện đây là thị trường cạnh tranh khá nảy lửa giữa Ooredoo (Qatar), Telenor (Na Uy) và nhà mạng quốc doanh MPT.
Khi Ooredoo và Telenor bắt đầu kinh doanh tại Myanmar vào năm 2014, người dân đã xếp hàng dài để đăng ký dịch vụ viễn thông giá rẻ của họ. Nhưng chỉ 6 tháng sau, nhà mạng quốc doanh MPT - vốn thống trị thị trường hàng thập kỷ qua bất chấp dịch vụ lạc hậu, đã có nhiều khách hàng mới hơn cả 2 đối thủ cộng lại. Tình cảnh này đã cho thấy sự thống trị của doanh nghiệp nhà nước, cũng như các thách thức công ty nước ngoài phải đối mặt khi Myanmar vừa muốn hiện đại hóa nền kinh tế, vừa muốn bảo vệ lợi ích doanh nghiệp.
Theo đánh giá, ngành viễn thông nước này còn rất nhiều cơ hội phát triển khi tỷ lệ sở hữu điện thoại di động tại đây còn rất thấp.
Myanmar đã 4 lần liên tiếp lọt top 5 thị trường phát triển được nhiều thuê bao di động mới nhất trong năm 2015
Và mới đây, vào cuối tháng 12/2015, chính phủ Myanmar vừa phát đi thông báo thị trường di động nước này đang có những bước phát triển rất tốt cả về phát triển cơ sở hạ tầng mạng cũng như số lượng người dùng và chỉ số doanh thu. Theo đó, chính phủ nước này cũng cho biết đang tiếp tục tìm kiếm, đánh giá sự quan tâm đầu tư của các nhà mạng nước ngoài để chọn ra một ứng viên sáng giá nhất cho chiếc giấy phép di động thứ tư tại thị trường nước này.
Được biết, ứng viên chiến thắng sẽ được trao giấy phép hoạt động trong 15 năm và có thể sẽ được gia hạn thêm ít nhất là 10 năm. Điều khoản này đã được áp dụng đối với Telenor và Ooredoo.
Theo quy định, ứng viên tham gia sẽ phải chứng minh năng lực chuyên môn, khả năng tài chính để đảm bảo triển khai thành công. Theo lộ trình thì giấy phép thứ 4 này sẽ được cấp ra ngay trong năm nay.
Ngoài tài nguyên tần số, di động Myanmar cũng đang rất cần đầu tư tài chính
Ngoài tài nguyên tần số vô tuyến, thị trường di động đang phát triển này cũng đang rất cần các nguồn đầu tư tài chính. Theo đó, khi nhận được giấy phép hoạt động Ooredoo cam kết đầu tư 15 tỷ USD vào Myanmar trong 15 năm và giúp 97% người dân tiếp cận dịch vụ trong 5 năm. Còn MPT, ra mắt dịch vụ di động vào năm 2000, cũng lên kế hoạch mở rộng mạng lưới của mình. Hãng tuyên bố hợp tác với nhà mạng lớn thứ 2 Nhật - KDDI và Sumitomo hồi tháng 7/2015, cam kết đầu tư 2 tỷ USD để mở rộng việc kinh doanh.
Theo một thống kê của Ericsson, trong quý 3 và 4/2015, thị trường di động Myanmar phát triển mới được 5 triệu thuê bao điện thoại di động mỗi quý, tương đương gần 10% tổng dân số nước này. Đây cũng là quý thứ 3 và 4 liên tiếp Myanmar có tên trong danh sách top 5 thị trường di động phát triển được nhiều thuê bao di động nhất trong quý. Theo dự báo, trong thời gian tới, số lượng thuê bao di động của Myanmar sẽ tăng nhanh hơn khi có thêm một đối thủ mới được nhận giấy phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông tại quốc gia này.
Còn theo đánh giá hàng năm của ITU thì chỉ số phát triển công nghệ thông tin - truyền thông (ICT Development Index - IDI) của Myanmar đạt 2,27 điểm, xếp thứ 29/32 quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương và 150/167 quốc gia trên thế giới. Nếu so với năm 2010 thì chỉ số IDI của nước này tăng 0,69 điểm và nằm trong danh sách 8 quốc gia tăng bậc nhiều nhất khu vực châu Á- Thái Bình Dương năm 2015.
Tuy nhiên, theo các khảo sát gần đây, sự phát triển quá nhanh cũng để lại những hệ quả không thể lường trước. Chẳng hạn, tỉ lệ người dùng di động tăng lên cũng giúp các hãng dịch vụ tin nhắn miễn phí như Viber trở thành ứng dụng đông người dùng nhất tại nước này. Điều này mang lại nhiều lợi ích kinh tế nhưng cũng châm ngòi cho nhiều bất ổn xã hội do người dùng điện thoại truy cập mạng xã hội và đăng tải nhiều thông tin gây xích mích.
Theo Christopher Chit Tun - tư vấn viên tại Deloitte chịu trách nhiệm cố vấn cho Chính phủ Myanmar về viễn thông và công nghệ thông tin thì một phần nguyên nhân là do nước này chưa có khung pháp lý để quản lý các hành vi trên các phương tiện truyền thông. Hay nói cách khác là sự tiến bộ của khoa học, công nghệ đã quá nhanh trong khi các luật pháp hiện hành đã không còn phù hợp, thậm chí là không không theo kịp tốc độ phát triển của khoa học-công nghệ.
Lê Hường (theo Myanmar Times)