Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel vừa trúng thầu tham gia liên doanh để hình thành nhà mạng di động thứ 4 tại Myanmar. Viettel cho biết sẽ đầu tư 1,5 tỉ đô la Mỹ để kinh doanh di động tại quốc gia này.
Thị trường rất tiềm năng
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Viettel, cho biết tập đoàn này vừa trúng thầu tham gia cùng hai doanh nghiệp Myanmar là MEC và SPV để lập một doanh nghiệp liên doanh cung cấp dịch vụ viễn thông di động, internet tại nước này.
Ông Dũng cho hay, dự kiến cuối tháng 5 tới Viettel sẽ làm thủ tục cùng với hai đối tác thành lập một công ty liên doanh, trong đó Viettel nắm giữ 49% cổ phần. Viettel dự định sẽ góp khoản vốn khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ. “Dự kiến sau khi liên doanh này được thành lập, chính phủ Myanmar sẽ cấp giấy phép viễn thông di động thứ 4 tại Myanmar cho liên doanh,” ông Dũng nói.
Với 53 triệu dân, Myanmar được các nhà đầu tư viễn thông đánh giá là thị trường rất tiềm năng do vẫn còn ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển.
Trước khi thắng thầu giấy phép này, năm 2014 Viettel đã có kế hoạch hình thành liên doanh với hãng viễn thông quốc doanh Myanmar là Yatanarpon Teleport; tuy nhiên kế hoạch này đã không được chính phủ Myanmar thông qua. Trước đó, vào năm 2013, Viettel đã từng nộp hồ sơ đấu thầu giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông tại Myanmar, nhưng không thành công.
(Và hai giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông di động đầu tiên đã được Myanmar cấp cho hai nhà mạng nước ngoài là Telenor (Na Uy) và Ooredoo (Qatar) và đến nay hai nhà mạng này đã kinh doanh dịch vụ viễn thông. Ngoài ra, Myanmar còn có nhà mạng 100% vốn nhà nước là Myanmar Posts and Telecommunications (MPT).
Myanmar chính thức mở cửa thị trường di động vào năm 2013, chấm dứt thời kỳ độc quyền của nhà mạng quốc doanh. Ngay sau khi giấy phép kinh doanh di động thứ 2 và 3 được cấp, MPT đã hợp tác với hai công ty Nhật Bản là KDDI và Sumitomo để thu hút đầu tư khoảng 2 tỉ đô la Mỹ. Từ 2013 đến nay, cước di động tại quốc gia này đã giảm hơn một nửa.
Hiện tại, MPT đang chiếm thị phần lớn nhất với 18 triệu thuê bao, Telenor có 12 triệu thuê bao, còn Ooredoo khoảng 5,8 triệu thuê bao).
Mặc dù tại Myanmar đã có 3 mạng di động đang kinh doanh, song ông Dũng cho rằng đây là thị trường có cơ hội lớn nhất trong các thị trường nước ngoài mà Viettel đã, đang và sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư trên thế giới.
Có ý kiến cho rằng với giấy phép kinh doanh mạng di động thứ 4, liên doanh mà Viettel tham gia tại Myanmar khó cạnh tranh được với ba mạng di động đang có trên thị trường vì phải xây dựng mạng di động từ đầu trong khi các nhà mạng khác đã đi vào hoạt động ổn định. Tuy nhiên ông Dũng cho hay, tại hàng chục quốc gia mà tập đoàn này đầu tư thì tỉ lệ dùng di động của người dân đều cao; chưa có thị trường di động nước ngoài nào mà khi Viettel thâm nhập lại có tỉ lệ người dùng di động thấp như ở Myanmar. Do đó, nếu Viettel đã thành công được ở thị trường khó hơn, không có lý gì mà tập đoàn không thành công ở thị trường Myanmar.
Được biết, ngoài Viettel, một tập đoàn viễn thông khác của Việt Nam là VNPT hồi tháng 9-2014 cũng khai trương văn phòng đại diện tại thành phố Yangon (Myanmar) nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại thị trường này nhưng đến giờ chưa có kết quả.
Viettel: đầu tư ra nước ngoài hiệu quả
Năm 2015, Viettel đạt doanh thu 1,5 tỉ đô la Mỹ từ thị trường nước ngoài, năm 2014 đạt hơn 1,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 23% so với năm 2013.
Viettel cho biết tính đến hết 2015 đã thu hồi khoảng 80% vốn đã đầu tư ra nước ngoài.
Tính đến nay, Viettel đã đầu tư kinh doanh tại 9 thị trường nước ngoài, bao gồm Campuchia, Lào, Đông Timor, Mozambique, Cameroon, Burundi, Tanzania, Haiti và Peru, với tổng dân số hơn 260 triệu người, và 75 triệu khách hàng.
“Viễn thông nước ngoài là một trong những chiến lược ưu tiên phát triển của tập đoàn Viettel để duy trì sự tăng trưởng và phát triển bền vững,” ông Dũng nói.