Theo những số liệu thống kê của tổ chức GMSA Intelligence, mức sử dụng dữ liệu của người dùng di động Trung Quốc đã vượt so với nhiều quốc gia Tây Âu, cho phép các nhà mạng trong nước hoàn toàn bù đắp được phần doanh thu thoại và SMS bị sụt giảm do các dịch vụ OTT. Việc nhà mạng triển khai 4G và sự phát triển của các nội dung bản địa chính là chìa khóa giúp các nhà mạng thúc đẩy được thuê bao tăng cường sử dụng các dịch vụ dữ liệu di động.
Phần lớn thuê bao di động Trung Quốc sử dụng các dịch vụ OTT
Cơn bão mang tên OTT xuất hiện từ những năm 2010 đã đi qua tất cả các nước trên thế giới, gây ảnh hưởng cực lớn đối với các nhà mạng trong vài năm gần đây. Tại Trung Quốc, không chỉ có các OTT phổ biến trên thế giới như WhatsApp, Viber...mà còn có sự góp mặt của nhiều ứng dụng OTT khác do chính các doanh nghiệp trong nước xây dựng (phổ biến nhất hiện nay là WeChat).
Theo thống kê của GSMA Intelligence, tỷ lệ người dùng các ứng dụng OTT tại Trung Quốc đứng đầu trong nhóm các nước BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc). Cụ thể, có tới 79% thuê bao di động của Trung Quốc sử dụng các ứng dụng thoại OTT và 81% sử dụng ứng dụng nhắn tin OTT.
Gần 1 tỉ người Trung Quốc sử dụng WeChat
Điều đó khiến các nhà mạng nước này sụt giảm nghiêm trọng doanh thu từ thoại và SMS. Trong năm 2015, các nhà mạng cho biết doanh thu bình quân dịch vụ thoại trên mỗi thuê bao di động đã giảm mất 20% so với năm trước.
Tăng trưởng lưu lượng dữ liệu di động với tốc độ phi mã
Trong năm 2015, đặc biệt là những tháng cuối năm, Trung Quốc liên tục báo cáo lưu lượng dữ liệu di động gia tăng nhanh chóng. Tháng 10/2015, lưu lượng internet di động đạt 2,88 tỉ GB. Con số này trong tháng 11 và 12 lần lượt là 3,66 tỷ GB và 41,87 tỉ GB, tăng 103% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ doanh thu từ các dịch vụ phi thoại (chủ yếu là dữ liệu) của các nhà mạng đã tăng lên mức 68,3% (tăng hơn 10% so với mức 58,2% cuối năm 2014).
So sánh với nhiều quốc gia khác, kể cả ở khu vực Tây Âu - nơi được mệnh danh là khu vực có thị trường viễn thông phát triển nhất thế giới, tỷ lệ thuê bao di động sử dụng các dịch vụ trên nền tảng internet di động của Trung Quốc đều vượt mặt nhiều thị trường. Ví dụ: có tới 73% người dùng tại Trung Quốc truy nhập internet trên di động, trong khi con số này ở Anh chỉ có 43%. Số người sử dụng ứng dụng nhắn tin OTT tại Anh chỉ có 40% trong khi con số này ở Trung Quốc là 81%...
Tỷ lệ thuê bao di động Trung Quốc sử dụng các dịch vụ trên nền tảng di động cao hơn nhiều so với Anh
Lượng người dùng các dịch vụ OTT nhiều một mặt khiến các nhà mạng sụt giảm doanh thu từ các dịch vụ di động truyền thống song mặt khác lại cũng khiến doanh thu trung bình dịch vụ dữ liệu trên mỗi thuê bao (dARPU) tăng lên. Theo thống kê của GSMAIntelligence, trong nửa đầu năm 2015, dARPU của Trung Quốc đã tăng thêm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2014. Tốc độ tăng trưởng này cao gấp đôi so với các thuê bao di động tại Anh.
Sự gia tăng mức chi tiêu cho dữ liệu của các thuê bao di động đã khiến doanh thu bình quân tổng cộng (tất cả các dịch vụ) của mỗi thuê bao di động Trung Quốc vẫn tăng tới 1,3% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là động lực khiến các nhà mạng di động nước này “toàn tâm toàn ý” chuyển đổi mô hình cung cấp dịch vụ theo hướng “dữ liệu là trung tâm”.
4G và hệ sinh thái nội dung phong phú là chìa khóa thúc đẩy
Sự chuyển đổi từ thoại sang dữ liệu khởi đầu ở các thị trường phát triển và hiện đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Tại Trung Quốc, quá trình này diễn ra với tốc độ nhanh hơn nên khoảng thời gian các nhà mạng phải vật lộn với việc sụt giảm doanh thu được rút ngắn hơn.
Khảo sát người dùng cho thấy các thuê bao di động tại Trung Quốc không chỉ truy nhập internet di động để sử dụng các dịch vụ OTT mà còn sử dụng rất nhiều dịch vụ khác như truy nhập mạng xã hội, chơi game, tải ứng dụng, xem video hay mua hàng trực tuyến... Vậy làm thế nào mà các nhà mạng có thể thúc đẩy được người dùng chuyển hướng sang sử dụng nhiều dịch vụ trên môi trường di động nhanh như vậy?
Di động được sử dụng ở mọi nơi
Một trong những tác nhân chính được cho là do các nhà mạng di động đã triển khai nhanh chóng các mạng 4G, phủ sóng rộng khắp trên toàn quốc, tạo một nền tảng “giao thông” vững chắc để cung cấp các dịch vụ với chất lượng đáp ứng được yêu cầu người dùng. Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu người dùng chuyển từ chơi game, giao dịch trên PC sang thực hiện trên di động nếu như tốc độ truyền dữ liệu không có sự khác biệt.
Tuy nhiên, cũng phải nhắc tới một nhân tố quan trọng nữa, đó chính là sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái nội dung trên di động. Hệ sinh thái này đã hình thành và phát triển mạnh mẽ ngay từ khi 4G chưa được triển khai và ngày càng được mở rộng, hoàn thiện. Trung Quốc là một trong số rất ít các quốc gia thường tự phát triển những dịch vụ, ứng dụng của riêng mình (dựa trên mô hình của nhứng dịch vụ, ứng dụng đang phổ biến trên thế giới). Việc nội địa hóa các dịch vụ, nội dung cũng là một trong những chìa khóa giúp lượng người dùng internet di động tại Trung Quốc tăng nhanh đến thế.
Rất nhiều quốc gia đã triển khai 4G từ khá sớm nhưng tỷ lệ người dùng còn rất khiêm tốn. Chính vì vậy, những kinh nghiệm này của Trung Quốc là bài học mà các nhà mạng Việt Nam cần tham khảo và học tập khi thời điểm triển khai 4G không còn xa.
Thúy Hằng