Ngày 7/2/2017, Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với tất cả các doanh nghiệp viễn thông để rà soát các công việc trước khi thực hiện đổi mã vùng điện thoại cố định giai đoạn 1 từ 0h ngày 11/2/2017. Tại buổi làm việc này, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh: “Việc quy hoạch và điều chỉnh kho số là một hoạt động bình thường ở các quốc gia trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường viễn thông. Sau một thời gian dài nghiên cứu kỹ lưỡng cân nhắc tất cả các yếu tố khác nhau, chúng ta đã đạt được sự đồng thuận cao và trên cơ sở đó Bộ TT&TT đã ban hành quy hoạch về kho số viễn thông”.
Cũng tại buổi họp, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho hay, quy hoạch kho số viễn thông sau đó đổi mã vùng điện thoại cố định đã được Bộ TT&TT nghiên cứu kỹ và thực hiện theo thông lệ quốc tế và ngay cả các nước tiên tiến như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… cũng thực hiện việc đổi mã vùng này. Điều chỉnh quy hoạch kho số là việc các nước trên thế giới đều phải làm để đáp ứng nhu cầu sử dụng và sự phát triển liên tục của công nghệ và dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin.
Ví dụ năm 1992 Hàn Quốc đã tăng độ dài số thuê bao tại Seoul từ 7 lên 8 chữ số bằng cách thêm số 2 phía trước. Đến năm 1999 toàn bộ số thuê bao cố định của Hàn Quốc (trừ Seoul) có độ dài 7 chữ số được kéo dài lên 8 chữ số bằng cách thêm số 2 phía trước. Sau đó đến năm 2000 thì toàn bộ mã vùng trừ Seoul có độ dài 3 chữ số đều đổi về 2 chữ số. Hay tại Trung Quốc năm 1995, mã vùng của Bắc Kinh thay đổi từ 1 thành 10, đến năm 1996 thì mở rộng độ dài số thuê bao cố định từ 7 thành 8 chữ số. Trong năm 2002, rất nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc đã tiến hành đổi mã vùng, đổi số thuê bao cố định...
Ngay sau khi kế hoạch chuyển đổi mã vùng được Bộ TT&TT ban hành, Cục Viễn thông đã thông báo cho Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và các cơ quan quản lý viễn thông các nước về kế hoạch này. Nội dung về kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định của Việt Nam đã được cập nhật vào dữ liệu của ITU-T và đăng trên web của ITU.
Trước đó, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại là một bước trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch kho số viễn thông đã được ban hành năm 2014. Một trong những mục tiêu cơ bản đặt ra đối với xây dựng và thực hiện quy hoạch kho số viễn thông là đáp ứng nhu cầu phát triển của thông tin di động tiếp tục bùng nổ trong giai đoạn tới.
Thời gian qua, xu hướng Internet vạn vật (Internet of Things) đã được nói đến rất nhiều và dự báo đến năm 2050 có khoảng 50 tỷ kết nối di động. Chính vì vậy, việc triển khai Quy hoạch kho số viễn thông trong đó có nội dung chuyển đổi mã vùng bắt đầu từ tháng 2/2017 là để đáp ứng nhu cầu phát triển rất bức thiết này.
Với việc ban hành và triển khai quy hoạch kho số mới, Việt Nam sẽ có trên 500 triệu số thuê bao di động 10 chữ số cho liên lạc người với người và khoảng 1 tỷ số thuê bao di động cho liên lạc thiết bị với thiết bị cho phát triển Internet vạn vật. Dự kiến việc triển khai Quy hoạch này sẽ hoàn tất trong năm 2018. Chậm trễ triển khai quy hoạch kho số này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến phát triển nền kinh tế số, kìm hãm sự phát triển của giao thông thông minh, y tế thông minh, hệ thống điện lực thông minh...
Mục tiêu thứ hai đặt ra khi triển khai kế hoạch chuyển đổi mã vùng là để sau khi chuyển đổi sẽ có được một bảng mã vùng mới dễ nhớ và công bằng hơn với người sử dụng. Việc chia tách và sáp nhập tỉnh/thành phố trong những năm qua dẫn đến mã vùng của Việt Nam có độ dài không đồng nhất, có tỉnh có độ dài mã vùng là 1, có tỉnh có độ dài mã vùng là 2 và thậm chí là 3. Ví dụ trước đây tỉnh Vĩnh Phú có mã vùng là 21. Khi tách tỉnh thành 2 tỉnh thì Phú Thọ có mã vùng 210 và Vĩnh Phúc là 211.
Một mục tiêu nữa mà Bộ TT&TT hướng tới khi thực hiện Kế hoạch chuyển đổi mã vùng là tạo điều kiện để chuyển mã mạng di động cho các thuê bao di động 11 số hiện nay.
Theo ICTnews