(Ảnh: Internet)
[/b][b]Loài cá mập lớn nhất thế giới megalodon rất có thể đã tuyệt chủng do kén ăn. Kết luận này được các nhà khoa học đưa ra sau khi phân tích kỹ lưỡng vết răng của loài này trên các hóa thạch có niên đại 7 triệu năm ở Peru.
Cá mập khổng lồ Megalodon là một trong những hung thần của đại dương, sinh sống trong khoảng từ 23 triệu đến 2,6 triệu năm trước. Khi trưởng thành chúng có thể dài tới 18m, vòm miệng rộng tới 3 mét với hàm răng vô cùng chắc khỏe. Loài này thường dùng chiếc răng khổng lồ của mình (có thể dài tới 18cm) để săn những loài động vật có vú nhỏ hơn ở biển. Tuy nhiên, sự biến mất đột ngột của nó cách đây 3 triệu năm là một bí ẩn vẫn luôn làm đau đầu không ít các nhà khoa học.
Mới đây, một nhóm chuyên gia từ Italia có thể đã tìm ra câu trả lời cho vấn đề này. Trưởng nhóm nghiên cứu, anh Alberto Collareta, từ Đại học Pisa, Italy cho biết:
“Sự biến mất của loài cá mập khổng lồ có răng lớn cuối cùng có thể bắt nguồn từ sự suy giảm và thậm chí là biến mất của một vài loài cá voi tấm sừng có kích thước vừa và nhỏ, khi bị thế chỗ bởi những loài cá voi tấm sừng có kích thước khổng lồ như hiện nay”.
Kết luận trên được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu xem xét vết cắn trên các mẫu hóa thạch 7 triệu năm tuổi được tìm thấy ngoài khơi Peru. Tại đây họ đã phát hiện hóa thạch của một số cá thể cá voi lùn, và sinh vật giống hải cẩu hiện đã tuyệt chủng mang trên mình các vết răng cắn của megalodon, ví như loài cá voi tấm sừng mang tên Piscobalaena nana và một loài hải cầu tiền sử mang tên Piscophoca pacifica. Cả hai loài động vật này đều không dài quá 5 m, tức bằng khoảng ⅓ kích thước của megalodon.
Khi thời tiết trở lạnh, vào giai đoạn khởi đầu của một kỷ băng hà mới, môi trường biển trải qua sự biến đổi đột ngột. Nước biển trở lên lạnh hơn, đồng thời mực nước biển sụt giảm do băng tích tụ ở vùng cực. Môi trường sống ấm áp ven biển biến mất, khiến các loài thú biển nhỏ, ví như P. nana và P. pacifica ở trên suy giảm về số lượng, thậm chí tuyệt chủng.
Kết quả là Megalodon phải bắt đầu săn tìm những con mồi to hơn, có kích thước lớn hơn những loài vốn từng là thức ăn truyền thống của nó. Trong hoàn cảnh đó, các loài cá voi lớn hơn với khả năng thích nghi tốt hơn với môi trường nước lạnh đã gia tăng số lượng và trở lên chiếm ưu thế. Tuy nhiên chúng lại có xu hướng quy tụ gần vùng cực, và đã di chuyển về gần đây. Người ta tin rằng, megalodon, vốn quen thuộc với môi trường sống ấm áp ven biển, không thể “theo đuổi” loài cá voi lớn đến vùng nước lạnh. Ngoài ra, kích thước khổng lồ của loài cá voi này cũng là một trở ngại đối với megalodon. Rốt cục, cái đói sau cùng trở thành nguyên nhân “hủy diệt” loài cá mập hung dữ này không lâu sau đó.
Tất nhiên, vẫn có thể tìm thấy các mẫu vật hóa thạch cá voi tầm sừng có kích thước tương đối lớn có in dấu vết răng của megalodon, nhưng không rõ chúng có thể tấn công được những con cá voi này hay chỉ đơn giản là nhặt xác chúng.
Hiện vẫn cần phải nghiên cứu nhiều về tất cả những “góc khuất” dẫn đến sự sụp đổ của Megalodon. Nhưng chí ít hiện tại nhóm nghiên cứu đã có một đầu mối khiến những con cá mập “cổ đại” Megalodon phải gục ngã và tuyệt chủng. Đó là sự cạn kiệt của nguồn thức ăn.
Tôn Kiên tổng hợp