Trong khi FBI đang bị thất thế trước bình luận của nhiều nhà lập pháp Mỹ, thì Apple còn đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ hàng chục công ty công nghệ và internet.
Alphabet Inc. (công ty cha của Google), Facebook Inc., Microsoft Corp., AT&T và hàng chục công ty khác hoạt động trong lĩnh vực internet, máy tính đã gửi đơn lên một thẩm phán để hỗ trợ Apple trong cuộc chiến pháp lý với Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
Apple đang trong cuộc chiến với FBI.
'Tôi tin rằng các công ty công nghệ cần xây dựng và thiết kế sản phẩm theo cách họ cần. Điều đó có nghĩa, chính phủ không thể đưa ra những yêu cầu với chúng tôi trong việc xây dựng và thiết kế sản phẩm', ông Chris Young - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc nhóm bảo mật tại Intel cho biết.
Salihin Kondoker, một chuyên gia bảo mật có vợ là bà Anies Kondoker đã bị thương trong vụ tấn công ở San Bernardino, cũng đã có những chia sẻ mang tính bảo vệ của Apple. Ông nói rằng, ông hiểu nỗi lo của Apple khi chính phủ muốn họ tạo ra một phần mềm mở khóa điện thoại, mà có thể sẽ được sử dụng để phá lớp bảo mật của hàng triệu chiếc điện thoại khác.
Về phía Apple, hãng này cho biết, phần mềm như yêu cầu của FBI là không tồn tại. Nếu muốn thực hiện theo yêu cầu từ FBI, Apple sẽ phải viết lại một chương trình phần mềm mới. Tuy nhiên, việc tạo ra một phần mềm như vậy sẽ khiến hàng trăm triệu khách hàng của Apple gặp rủi ro, trong đó có hàng chục triệu người Mỹ.
CEO Apple và Giám đốc FBI đã có những phát biểu gay gắt trong cuộc chiến pháp lý.
Apple cũng đã công khai phản đối yêu cầu từ FBI khi đăng tải bức thư của CEO Tim Cook, sau khi một thẩm phán ra lệnh cho Apple phải làm theo đề nghị của FBI. Hiện, Apple đang nỗ lực đưa vụ việc ra thảo luận trước Quốc hội, dự kiến vào ngày 10.3 tới đây. Apple cho rằng, yêu cầu của chính phủ đã vi phạm một bộ luật có từ năm 1789 (cách đây 227 năm), liên quan tới việc yêu cầu các công ty hỗ trợ cơ quan thực thi pháp luật trong công tác điều tra.
Trước đó, thẩm phán Sheri Pym của bang California đã ra lệnh cho Apple phải tạo ra một phần mềm chuyên dụng giúp FBI đột nhập vào một chiếc iPhone bị khóa. Đây là chiếc iPhone 5C được sử dụng bởi một tay súng đã gây ra vụ xả súng kinh hoàng làm 14 người thiệt mạng, tại San Bernardino (California, Mỹ).
Đầu tuần này, trong một vụ việc khác, một thẩm phán liên bang ở Brooklyn đã phán quyết rằng, chính phủ đã vượt quá thẩm quyền của mình khi yêu cầu sự trợ giúp từ Apple trong một vụ án ma túy. Yêu cầu này tương tự vụ việc liên quan tới vụ xả súng ở San Bernardino.