Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2017 của Tổng công ty VNPT – VinaPhone ngày 26/12/2016, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh, đây là năm đầu tiên mà Tổng công ty VNPT VinaPhone và Tập đoàn VNPT hoạt động tương đối trọn vẹn theo mô hình tái cơ cấu mà Thủ tướng phê duyệt, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn tồn tại trong quá khứ và khó khăn phát sinh. Thứ trưởng Phan Tâm ghi nhận sự chuyển mình mạnh mẽ của VNPT – VinaPhone, góp phần khẳng định vị trí của VNPT một trong 3 trụ cột chính của thị trường viễn thông Việt Nam.
“VNPT – VinaPhone vẫn tăng trưởng và thị phần được cải thiện rõ rệt tăng lên trong bối cảnh thị trường bão hòa và cạnh tranh gay gắt. Có được kết quả này là VNPT – VinaPhone đã tổ chức tốt bộ máy theo nguyên tắc, chuyên biệt, khác biệt và hiệu quả. Tổng công ty thiết lập kênh bán hàng rộng, chăm sóc khách hàng tốt hơn. Sự tiến bộ trong năng lực cạnh tranh của VinaPhone đã được các đối thủ cạnh tranh gi nhận” Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị này, ông Tô Dũng Thái, Tổng Giám đốc VNPT VinaPhone cho biết, năm 2016, mạng VinaPhone đã hoàn thành việc triển khai thêm 11.000 trạm phát sóng 3G, trong đó có 7.000 trạm hoạt động tần số 900MHz, nâng tổng số trạm lên tương đương với 33.000 trạm 3G/2100 MHz. Với số lượng trạm như vậy, VinaPhone trở thành mạng di động có vùng phủ 3G rộng nhất Việt Nam.
Cùng với việc mở rộng loại hình kênh bán hàng, đẩy mạnh phát triển các gói cước mới và tăng cường công tác chăm sóc khách hàng, số thuê bao di động thực tăng năm 2016 của VNPT VinaPhone đạt hơn 6,5 triệu thuê bao, giúp VinaPhone tăng 2,25% thị phần thị trường di động. Tính tới thời điểm hiện tại, thị phần thuê bao di động của VinaPhone hiện đạt khoảng 24,6%.
Với thị phần như vậy, nhưng ông Tô Dũng Thái cũng không đề cập đến vấn đề liệu mạng VinaPhone đã đứng vị trí thứ 2 trên thị trường di động hay chưa. Tại buổi làm việc với Bộ TT&TT hồi tháng 9/2016, Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long cho biết, VNPT đặt mục tiêu cho VinaPhone phải đứng vị trí thứ 2 trên thị trường di động và là mạng di động có chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng tốt nhất.
Đặc biệt, di động băng rộng cố định, VNPT phấn đấu giữ số 1 và chiếm khoảng 50% thị phần. Đối với lĩnh vực CNTT, VNPT sẽ tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn như thành phố thông minh, Chính phủ điện tử, y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường... Lĩnh vực này VNPT phấn đấu số 1 về thị phần.
Đại diện VNPT VinaPhone cho biết, năm 2016, doanh thu VT-CNTT của VNPT VinaPhone ước đạt 36.665 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với năm 2015. Thuê bao băng rộng thực tăng đạt 700.000 thuê bao, vượt hơn 10% kế hoạch. Thị phần thuê bao băng rộng đạt 44,6%, giữ nguyên so với tháng 12/2015, trong đó phần cáp quang chiếm 42,6%, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2015. Thị phần cáp đồng chiếm 65,8%.
Phát biểu tại hội nghị này, ông Phạm Đức Long Tổng Giám đốc VNPT cho rằng, năm 2016 VNPT VinaPhone gặp khó khăn thách thức mới nhưng đã tăng trưởng khá so với năm 2015. Tuy nhiên, năm 2017 chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức do chính sách của Bộ TT&TT thay đổi như về quản lý thuê bao di động trả trước, sẽ tác động đến kênh bán hàng, cách tiếp cận khách hàng của VNPT. Vì vậy, ông Phạm Đức Long cho rằng VNPT VinaPhone phải chuẩn bị chủ động khi chính sách thay đổi để có được đà phát triển tốt.
“Năm 2016 là năm do mới tổ chức lại phần lớn các đơn vị địa phương là lãnh đạo mới nên cũng có những khó khăn nhất định. Thế những đây cũng là năm mà toàn thể bộ máy cũng đã nỗ lực và đạt được những kết quả.
Trên nền tảng đó, trong năm 2017, VNPT VinaPhone đặt ra mục tiêu doanh thu tăng trưởng ít nhất 10% và lợi nhuận tăng khoảng 15% và thu nhập người lao động tăng khoảng 5% so với năm 2016. Tạo sự khác biệt, khẳng định đẳng cấp trong công tác truyền thông và chăm sóc khách hàng, đẩy mạnh việc triển khai các dịch vụ mới đem lại giá trị cho người dùng”, ông Tô Dũng Thái nói.
Theo ictnews