Cách đây 10 năm, thoại, SMS đã làm nên thành công của các nhà khai thác dịch vụ di động Việt Nam. Mạng đi động bắt đầu xuất hiện vào những năm 1995 – 1996. Số lượng thuê bao tăng chóng mặt và đỉnh cao vào khoảng giai đoạn 2005 – 2007. Và sau đó là giai đoạn bão hòa.
Hiện này, tỷ lệ thuê bao/người tại Việt Nam có độ phủ đã lên tới 122/100, tức 100 dân có khoảng hơn 100 chiếc điện thoại di động với 122 thuê bao, thì “quyền lực” của các nhà mạng cũng suy giảm.
Hai mươi mấy năm đầu tư hàng tỷ USD vào mạng Mobifone, rồi đầu tư cả thương hiệu, nhưng giờ nhà cung cấp đang thu được doanh số lớn nhất trên mạng của chúng tôi là Google, Facebook chứ không phải nhà mạng”.
“Doanh thu từ hạ tầng kết nối (connectivity) chỉ còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ 10 – 15% doanh thu. Phần nội dung số mới chiếm phần lớn trong cơ cấu này”, ông Nguyễn Tuấn Huy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Đa phương tiện và Giá trị gia tăng (MVAS) – Tổng công ty Mobifone, cho biết tại sự kiện Internet Day 2016.
Nhiều lần mời Apple, Netflix hợp tác, nhưng đều bị “chê”
Hơn 2 năm trước, hai nhà mạng Viettel và Mobifone – lâu nay vốn ở thế “cửa trên”, đã “hạ cố” cùng tổ chức 2 cuộc gặp gỡ các nhà cung cấp nội dung số, với tỷ lệ chia sẻ doanh thu tối đa lên tới 90%.
Động thái này có vẻ khá muộn màng khi từ năm 2011, thoại, SMS vốn là trụ đỡ tăng trưởng một thời của các nhà mạng đã dần bão hòa và gặp áp lực mạnh mẽ từ các dịch vụ OTT.
Mới đây, đại diện Mobifone cũng thật lòng chia sẻ: “Chúng tôi có mời rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ nội dung số. Như Netflix và Apple, chúng tôi mời họ nhiều lần nhưng họ không mặn mà…”
“Thực ra, họ không cần chúng tôi! Họ kinh doanh trên App Store và thanh toán thẳng qua thẻ tín dụng. Họ đâu cần nhà mạng”, ông Huy thổ lộ.
Theo xu thế chung, Mobifone đang buộc dịch chuyển, chuyển từ vai trò nhà mạng sang định hướng cung cấp dịch vụ nội dung số.
Mobifone cho rằng, lợi thế của nhà mạng này khi dịch chuyển là đã có thương hiệu sau hai mươi mấy năm đầu tư, tập khách hàng lớn với số lượng hơn 20 triệu, và nguồn tài chính dồi dào.
Mobifone cũng thừa nhận, điểm yếu cố hữu của đơn vị này là đã quen “làm a lô truyền thống”, ngại thay đổi, tính sáng tạo thấp.
“Việc chuyển dịch đòi hỏi thay đổi cả về mô hình tổ chức, mô hình kinh doanh, đầu tư thêm vào công nghệ... Trong khi đó, các doanh nghiệp làm nội dung số đã đi trước nhiều năm, chúng tôi để học theo cần khoảng thời gian rất dài, mà cũng chưa làm chủ được công nghệ và sản xuất được nội dung...”, ông Huy nói.
Công cuộc phát triển của Mobifone, có vẻ vẫn là bài toán rất dài.
Theo GenK