Mỗi nguyên đơn trong vụ kiện tập thể nhắm vào nhà sản xuất Philip Morris của thương hiệu thuốc lá Marlboro sẽ nhận được 25 USD tiền bồi thường.
Theo hãng tin Bloomberg, trong ngày hôm qua, thẩm phán tại tòa Massachusetts, Hoa Kỳ đã đưa ra kết luận rằng nhà sản xuất Philip Morris, trực thuộc tập đoàn Altria Group đã lừa dối người tiêu dùng khi quảng bá Marlboro Lights là an toàn hơn so với thuốc lá thông thường. 197.000 nguyên đơn trong vụ kiện này sẽ nhận được tiền bồi thường là 25 USD (khoảng 560.000 đồng) mỗi người kèm tiền lãi, tương đương với tổng mức bồi thường khoảng 15,1 triệu USD.
Tuy vậy, mức bối thường vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 600 triệu USD mà bên nguyên đơn đòi hỏi ban đầu. Các luật sư của bên nguyên đơn đã không thể chứng minh được rằng họ đã phải chịu những hư hại sức khỏe giống nhau, kết thúc vụ kiện kéo dài 17 năm mà không bên nào thực sự giành phần thắng.
Trong khi vẫn đưa ra kết luận rằng Marlboro Lights cũng gây hại không kém gì Marlboro Reds, thẩm phán Edward Leibensperger đã đưa ra phán quyết rằng 'Tôi không có bằng chứng để đánh giá thiệt hại thực tế của mỗi nguyên đơn'. Trước đó, bên nguyên đơn đã đưa ra định mức bồi thường thông qua một cuộc khảo sát yêu cầu người tiêu dùng đưa ra khoản tiền mà họ sẽ trả cho một loại thuốc lá được cho là an toàn hơn thuốc là thường. Tom Urmy, một luật sư của bên nguyên đơn khẳng định sẽ kháng cáo phán quyết không yêu cầu Philip Morris phải bồi thường khoản tiền 68 triệu USD doanh thu từ Marlboro Lights tại Massachusetts.
Những thay đổi về mặt pháp lý đã khiến cho các vụ kiện tập thể liên quan tới thương tổn cá nhân và kinh tế trở nên khó khăn hơn. Vào năm ngoái, thẩm phán tòa tối cao Illinois cũng đã hủy bỏ phán quyết bồi thường 10 tỷ USD cho người mua Marlboro Lights tại bang này từng được một thẩm phán khác đưa ra từ năm 2003.
Tuy vậy, phán quyết mới tại Massachusetts không chỉ đem về 15,1 triệu USD tiền bồi thường mà còn góp thêm sức nặng cho nhiều vụ kiện tương tự đang diễn ra tại bang này. Edward Sweda, luật sư cấp cao tại Viện Sức khỏe Cộng Đồng, Đại học Luật Northeastern cho rằng phán quyết mới là 'một thắng lợi rõ rệt' trong cuộc chiến chống lại các hành vi marketing sai trái của ngành sản xuất thuốc lá.
Kể từ năm 2010, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã nghiêm cấm việc sử dụng cụm từ 'Light' ('Nhẹ') trên thuốc lá.
Lê Hoàng