Trong 8 tháng đầu năm 2016, Oppo có mức tăng trưởng ấn tượng trong khi Asus và Microsoft tuột dốc. Samsung vẫn giữ vị trí Quán quân. Mobiistar giữ vững thị phần dù khiêm tốn.
Oppo 'phi mã', Asus 'sẩy chân', Mobiistar 'chậm mà chắc'
Số liệu thống kê đến tháng 8/2016 của GfK cho thấy, thị phần smartphone Việt Nam vẫn bị ngự trị bởi Samsung, với 35,4% thị phần trong tháng 8. Tiếp sau đó là Oppo 27,2% thị phần và Apple đạt 7,1% thị phần. Cộng cả 3 hãng lớn thì thị phần chiếm đến 70% tổng thị trường smartphone, đẩy hàng chục thương hiệu khác về mức 30%.
Như vậy, gần chục thương hiệu lớn và loạt thương hiệu nhỏ lẻ khác cộng lại không bằng thị phần của Samsung và chỉ hơn thị phần Oppo khoảng 3%.
Nhìn vào thị phần từ tháng 8/2015 đến tháng 8/2016, đáng tiếc nhất vẫn là Microsoft, khi hãng này tụt từ mức 14,2% xuống chỉ còn 2,9%. Đã có lúc hãng này chiếm đến 20% thị phần smartphone Việt Nam trong năm 2015. Điều này minh chứng cho kế hoạch bán mảng phần cứng, chỉ tập trung vào thế mạnh phần mềm của Microsoft kể từ khi hãng này mua lại Nokia.Trong các hãng có thể cạnh tranh với 3 thương hiệu lớn, chỉ có… Mobiistar - một thương hiệu Việt chứ không phải các tên tuổi quốc tế nào - luôn nằm ở mức khoảng 5% thị phần, đứng thứ 4 kể từ đầu năm nay. Các con số thống kê không chính thức cho biết Mobiistar có thể ngang với Apple về doanh số bán trong nhiều tháng gần đây.
Một điều đáng chú ý nữa trong bảng xếp hạng chính là sự vươn lên rất nhanh của Oppo. Tháng 8/2015 hãng này chỉ chiếm 13% thị phần, nhưng một năm sau đã tăng hơn gấp đôi, đạt 27,1% - tốc độ tăng trưởng phi mã.
Ngoài ra, sự hụt hơi của Asus cũng là một điểm đáng buồn cho hãng này khi cách đây hơn một năm hãng đã có thị phần ngang ngửa Apple, được đánh giá là “ngựa ô” khi có mức tăng trưởng khá nhanh cùng với Oppo. Được đánh giá cao khi Zenfone 2 có thị phần cao trong phân khúc tầm trung, Asus dường như sai lầm khi ra mắt dòng Zenfone 3 với mức giá cao hơn, rời nhóm khách hàng trọng tâm của mình.
Ổn định nhất vẫn là Samsung khi hãng này liên tục dẫn đầu với trên 30% thị phần, có lúc đạt 39,2% vào tháng 5/2015.
Nếu quan sát có thể thấy tháng 8 là quãng thời gian Oppo “gần” với Samsung nhất, khi hai hãng cách nhau khoảng 8% thị phần. Trả lời ICTnews vào cuối tháng 10, ông Đặng Quốc Cường – Giám đốc tiếp thị Oppo Việt Nam – không trả lời thẳng vào câu hỏi liệu Oppo có muốn soán ngôi Samsung ở Việt Nam hay không, mà chỉ nói rằng hãng sẽ luôn tiến về phía trước, điều gì tới sẽ tới. Ông Cường không quên nhắc đến việc Oppo chiếm thị phần rất tốt ở nhiều quốc gia và đang lên vị trí cao trên toàn cầu.
Phân khúc tầm trung: Chìa khóa vàng
Sự tăng trưởng nhanh chóng của Oppo, cú sẩy chân của Asus, sự vững vàng của thương hiệu tí hon Mobiistar cho thấy phân khúc điện thoại tầm trung là chìa khóa vàng để gia tăng thị phần.
Thống kê của GfK cho thấy trong năm 2016, điện thoại tầm giá dưới 7 triệu đồng chiếm đến 83% thị phần tổng cộng. Mức giá dưới 7 triệu đồng cũng được xem là ngưỡng của các hãng điện thoại nhỏ, khi smartphone của họ sẽ hiếm khi rời mức giá này. Xu thế mới cho thấy người Việt đang chi nhiều tiền hơn cho smartphone, đẩy mức giá trung bình cao lên, tuy nhiên phân khúc smartphone dưới 3 triệu đồng vẫn chiếm thị phần lớn nhất, kế đến là nhóm 3-5 triệu đồng, xếp thứ 3 là 5-7 triệu đồng.
Nhìn vào quá trình tăng trưởng của Asus và Oppo có thể thấy hai hãng này đánh mạnh vào phân khúc giá tầm trung. Oppo luôn tung ra những mẫu máy chủ lực ở tầm giá trên dưới 5 triệu đồng, như dòng Neo chẳng hạn, rồi làm hết sức để đẩy doanh số bán lên nhằm gia tăng thị phần. Câu chuyện Asus cũng tương tự, khi dòng Zenfone 2 với mức giá chung quanh 5 triệu đồng, được đánh giá có hiệu năng tốt so với các đối thủ, đã có lúc đẩy thị phần hãng Đài Loan này lên mức hơn 10%, nhưng sau đó tụt dần và đến khi hãng cho ra Zenfone 3 ở tầm giá cao hơn, tên tuổi của hãng trong bảng xếp hạng đã nhỏ dần lại.
Không hề kém cạnh, Samsung cũng công bố bán được 200 ngàn máy J7 Prime sau một tháng mở bán, tức ngang bằng với Oppo F1s nếu tính trung bình.Cuộc chiến ở phân khúc tầm trung mà ai cũng nhìn thấy chính là cuộc đua giữa Oppo F1s và Samsung J7 Prime. Cả Samsung và Oppo đều dốc tiền vào các chiến dịch nhằm đẩy danh số bán của hai dòng máy chủ lực. Oppo công bố bán được gần 400 ngàn máy F1s trong 60 ngày đầu mở bán, góp phần đẩy phân khúc giá 5-7 triệu đồng của toàn thị trường tăng lên gấp đôi so với cùng kỳ.
Nhìn thấy tầm quan trọng của smartphone phổ thông, hãng điện thoại Việt Mobiistar vẫn kiên trì đeo bám phân khúc này, với các smartphone từ… dưới 1 triệu đồng đến hơn 3 triệu đồng. Hãng đã từng thử nghiệm bán các smartphone cao hơn tầm giá 6 triệu đồng nhưng chúng mất hút trên quầy của các nhà bán lẻ lớn.
Trả lời ICTnews, nhà phân phối Digiworld dự báo smartphone tầm trung và tầm thấp sẽ tiếp tục tăng trưởng. Mặc dù Samsung, Oppo đánh rất mạnh ở phân khúc này, nhưng Digiworld cho rằng luôn có chênh lệch giá giữa các nhãn lớn với các nhãn nhỏ, do chi phí. Vì vậy, cơ hội cho các hãng nhỏ là luôn có, dù bị thu hẹp lại. Tăng trưởng của các hãng nhỏ có thể thấp hơn kì vọng, nhưng vẫn duy trì mức tăng nhanh.
Nhà phân phối này cho rằng điện thoại tầm trung trong năm 2017 sẽ tiếp tục xu hướng trang bị cảm biến vân tay, camera (camera kép), màn hình (không viền), dung lượng RAM lớn.
Nguồn: Review Dạo