Trong thời gian làm nhân viên thu tiền điện của xã, nhiều lần anh Thạnh được tập huấn các khóa học cơ bản về điện. Đến 2007, anh Thạnh nghỉ việc rồi về nhà trồng quýt đường trên mảnh đất của cha mẹ cho khi anh mới lập gia đình. Trong thời gian làm vườn, anh nhận thấy sự vất vả của bà con làm vườn trong khâu tưới tiêu, phun thuốc và thuê nhân công.
Anh Thạnh cho biết: “Giai đoạn cây phát triển thì phải bón phân, phun thuốc, tưới nước… đúng thời gian, đủ về lượng. Tuy nhiên, với công việc thủ công phải thuê mướn nhân công, chi phí thì cao mà chất lượng lao động thấp. Có lần, tôi thuê nhân công phun thuốc họ đã nhận lời. Tuy nhiên, khi tôi chuẩn bị xong xuôi, thì họ bảo bận việc. Thế là, một mình tôi hì hục phun thuốc hết 5 công vườn. Sau trận đó, tôi tìm cách đưa máy móc, công nghệ vào thay con người để đỡ vất vả và tiết kiệm được thời gian, tiền bạc”.
Mặc dù ý tưởng là vậy, nhưng để triển khai không phải là việc đơn giản. Năm 2011, trong một lần thấy đứa con điều khiển chiếc xe ôtô điện tử, lúc này trong đầu anh Thạnh lóe lên ý nghĩ sẽ làm hệ thống tưới nước tự động và điều khiển bằng remote. Để có được kiến thức về điện, mạch, chíp, bán dẫn, sóng… anh Thạnh tìm đến một vài người bạn trong lĩnh vực điện tử và tự mày mò trên Internet, rồi cẩn thận ghi chép lại tất cả các kiến thức hữu ích.
Sau đó, để có được các thiết bị phục vụ cho việc sáng chế, anh Thạnh tìm đến các điểm thu mua phế liệu, mua lại máy móc cũ, hư để nghiên cứu, làm thử nghiệm. Hơn 4 tháng trời ròng rã tháo lắp hàng trăm lần, cuối cùng anh Thạnh thành công với hệ thống tưới nước, pha thuốc tự động điều khiển bằng remote. Tuy nhiên, khi đưa vào hoạt động, có một bất cập là khoảng cách điều khiển remote chỉ trong phạm vi 20 - 30m và phải chạy khắp vườn để rà sóng.
Chỉ cần một chiếc điện thoại “cùi bắp”, ông Thạnh có thể điều khiển được hệ thống tưới cây dù ở bất cứ nơi đâu.
Nghĩ đến điện thoại di động có thể phủ sóng mọi nơi, anh Thạnh lại lao vào tìm cách đấu nối, lắp sim số thế vào bộ điều khiển. Chỉ sau một tuần, anh Thạnh đã thành công với hệ thống phun thuốc, tưới cây điều khiển bằng điện thoại di động.
Trước đây, để tưới cho 5 công vườn, anh Thạnh phải làm từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Còn bây giờ, chỉ với cái mô tơ, anh Thạnh thiết kế 6 van (mỗi van 100 béc phun), thời gian tưới nước của mỗi van là 10 phút, việc tưới nước chỉ mất 60 phút.
Việc thiết lập lệnh tắt mở, thời gian hoạt động của mỗi van… chỉ cần thao tác trên chiếc điện thoại di động “cùi bắp” là hệ thống hoạt động trơn tru. Chi phí cho cả hệ thống chỉ khoảng 3 triệu đồng. Ngoài ra, việc sử dụng hệ thống điều khiển giúp tiết kiệm được tiền thuê nhân công, hao hụt trong khâu sử dụng, tránh tiếp xúc với các chất độc hại khi phun thuốc.
“Bây giờ, dù tôi ở bất kỳ nơi đâu, đi đám giỗ hay công việc ở xa nhà, chỉ cần móc điện thoại di động ra “bấm” là máy tự tưới nước, phun thuốc cho vườn quýt đúng liều lượng, quy cách và thời gian” - anh Thạnh khẳng định.
Nhận xét về hệ thống tưới tiêu, phun thuốc điều khiển bằng điện thoại di động của anh Thạnh, ông Huỳnh Văn Tồn, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lai Vung cho biết: “Hệ thống này rất hữu ích cho bà con làm vườn trong việc tưới tiêu, phun thuốc. Ngoài tiện ích giúp bà con giảm chi phí sản xuất trong khâu nhân công, tiền điện, tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại thì bà con có thể tưới cây, phun thuốc ngay cả khi không có ở nhà. Riêng cách tưới nước bằng béc, một mặt làm nước thấm đều, không làm phân thuốc trôi như tưới tay thì cách tưới này còn tạo được độ ẩm tốt cho vườn, nhất là trong mùa khô”.
Hiện anh Thạnh đã lắp đặt, hướng dẫn cho nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh hệ thống tưới nước tự động này, nhằm thực hiện cơ giới hóa trong lao động sản xuất.
Trần Lĩnh