Là học sinh nhỏ tuổi nhất trong các thí sinh đạt giải cuộc thi 'Sáng tạo Học Kỹ thuật Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2016', Phạm Nguyễn Bảo Duy (học sinh lớp 3A, trường Tiểu học Đông Phú 1, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đã làm nhiều đại biểu có mặt bất ngờ.
Sáng kiến của em được đánh giá là mới lạ, độc đáo, dễ đưa vào hoạt động thực tiễn, chi phí sản xuất rẽ tiền nhưng kết quả mang lại rất cao.
Ruồi vàng là loại côn trùng độc hại tàn phá rất nhanh trái cây, chính vì thế, lâu nay các nhà vườn thường dùng các biện pháp truyền thống như sử dụng keo dính ruồi, phun xịt thuốc hóa học, treo chuối chín... nhưng kết quả không cao, tốn kém nhiều chi phí.
Bảo Duy tâm sự mộc mạc: 'Mỗi lần theo nội ra vườn xoài, thấy nhiều con ruồi vàng cắn phá trái cây nhưng không có cách nào diệt chúng, nếu dùng thuốc thì hao tốn tiền lại ảnh hưởng đến chất lượng trái vì dính thuốc trừ sâu rầy, từ đó con quyết tâm làm cho được cái máy diệt ruồi vàng...'.
Duy với mồi nhử ruồi vang bằng lá é tía.
Từ suy nghĩ đó, Duy phát hiện ở quê mình có rất nhiều cây é tía bỏ hoang nhưng có sức quyến rũ với côn trùng, đặc biệt là ruồi vàng vì cây này khi vò nát có nhiều mùi thơm. Em bắt đầu hành trình chế tạo máy bắt ruồi vàng bằng loại lá cây này.
Sản phẩm của Duy rất đơn giản với các phần chính gồm: chân máy; phần thân có một cái thau để lấy gió khi cánh quạt phía sau quay dưới tác dụng của gió thiên nhiên; phần đựng lá é tía xay nhuyễn, phía dưới là bình đựng xác ruồi vàng.
Khi gió làm quay cánh quạt phía sau thì bắt đầu máy hoạt động.
Mùi thơm của lá é tía được gió khuếch tán trong không khí sẽ thu hút ruồi vàng bay đến và bị hút vào chiếc bình chứa, người dùng chỉ còn việc đem diệt chúng theo cách riêng của mình.
Nhận xét về Duy, chị Nguyễn Thị Út, mẹ em cho biết: 'Duy có thú say mê sáng kiến từ nhỏ, luôn tìm tòi, phát hiện cái mới, cái lạ trong sách, báo, truyền hình. Thấy vậy nên vợ chồng tôi cũng tạo điều kiện để cháu phát huy sở thích của mình...'.
Bảo Duy kể thêm: 'Thấy vậy chớ con làm trật lất mấy lần, đến lần thứ 3 mới ngon lành đó, con nghĩ muốn thành công thì phải chịu khó, không chán nản trước mọi thất bại...'.
Hiện tại chi phí lắp đặt chiếc máy bắt ruồi nầy chỉ khoảng 100.000 đồng/máy và đã được nhiều nông dân tại chỗ áp dụng khá thành công.
Duy với sản phẩm máy bắt 'ruồi Vàng' của mình vừa đạt giải 3 hội thị sáng tạo khoa học, kĩ thuật thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2016.
Lợi thế của máy là rất nhẹ, chủ yếu làm bằng nhựa, nhôm, kết cấu đơn giản, không cần nhiên liệu, tháo lắp dễ dàng nên cơ động, rất thuận tiện ở mọi địa hình.
Nó phù hợp với nông dân, giúp nhà vườn tiết kiệm được thời gian phun xịt thuốc, giảm chi phí sản xuất, hạn chế ruồi vàng tấn công gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ông Lê Văn Tỏ (ngụ ấp Phú Hưng, xã Đông Phú) nhận xét:
'Thiết bị này tuy đơn giản, rẻ tiền nhưng hiệu quả lắm, tôi đã làm thử trên 6 vụ trồng xoài Đài Loan, kết quả diệt đến 80% lượng ruồi vàng vốn có, vừa rẻ lại vừa an toàn cho trái...'.
Tin vui đã đến, mô hình 'bắt ruồi vàng' của em vừa đạt giải 3 trong hội thị sáng tạo khoa học, kĩ thuật thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2016 tổ chức tại Hà Nội; trở thành niềm cổ vũ rất lớn cho Duy.
Trong lớp Phạm Nguyễn Bảo Duy học rất đều các môn, trong đó em rất mê môn Toán và Anh văn. Thời gian rảnh rỗi, em lại tự mày mò sáng tạo những đề tài mới, trước lúc chia tay em cười rất tươi và cho biết:
'Con đang nghiên cứu mô hình 'xe gắn máy chạy bằng sức gió' với mong muốn mọi người sẽ không còn tốn tiền mua xăng khi sử dụng và môi trường sẽ bớt độc hại do khói thải ra từ những chiếc xe gắn máy'.
Một ý tưởng mới rất ngộ nghĩnh, thiết thực đã và đang hình thành trong suy nghĩ của nhà 'sáng chế' lớp 3 này!
Cập nhật: 19/10/2016
Theo giaoduc