Trong một sự kiện diễn ra năm 2013, cục Viễn thông (Bộ thông tin và truyền thông) cho biết giá cước Internet tại Việt Nam vẫn là thấp so với thế giới, và chỉ bằng khoảng 60% so với mặt bằng chung.
Năm 2015, khi chúng ta chuẩn bị hạ tầng viễn thông để triển khai mạng 4G LTE, một chuyên gia trong ngành tiết lộ Việt Nam vẫn chưa kịp thu hồi vốn đầu tư vào 3G vì giá cước lâu nay còn thấp. Đây cũng là lý do khiến Việt Nam chậm có 4G, đi sau nhiều nước.
Mặc dù vậy, theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Viễn thông quốc tế (ITU), giá cước 3G trả trước tại Việt Nam tính theo thu nhập đầu người hiện nằm trong nhóm đắt đỏ của thế giới, và tốc độ Internet tại Việt Nam hiện đang đứng thứ 17 trong khu vực châu Á và thứ 102 thế giới, báo cáo này dựa trên các chỉ số phát triển ICT đặc biệt, như tốc độ Internet, thống kê tương đối về số người sử dụng Internet, và tỷ lệ dân cư có máy tính.
Bảng tương quan giá cước 3G tại Việt Nam so với mặt bằng chung một số nước trong khu vực
Theo như bảng so sánh giá cước trên có thể dễ dàng thấy, người Việt Nam tuy có thu nhập thấp nhưng khá 'chịu chi' cho kết nối Internet, các nước trong khu vực chi nhiều nhưng không đáng kể so với bình quân thu nhập của người dân.
Để có được xếp hạng này, ITU căn cứ mức giá cước tính theo % thu nhập quốc dân (% GNI), bằng cách lấy giá cước trên mỗi 500 MB chia cho thu nhập bình quân đầu người. Theo đó, cước 3G tại Việt Nam chiếm khoảng 7,31% thu nhập, cao hơn nhiều so với trung bình của khu vực châu Á (khoảng 4,28% thu nhập). Trong khi đó, top 50 nước phát triển có giá 3G chỉ dao động trong khoảng 0,09% - 1% thu nhập.
Tại Việt Nam, các nhà mạng trong nước cung cấp 600 MB lưu lượng 3G tốc độ cao với giá khoảng 70.000 đồng (khoảng 3.1 USD), rẻ hơn Indonesia khi người dân nước này phải bỏ ra 3,37 USD. Tại Thái Lan, giá tiền gói này lên đến 8,33 USD, gần gấp ba lần so với Việt Nam.
Tại Singapore, một quốc gia khác cùng ở khu vực Đông Nam Á, gói cước 500 MB có giá lên đến 11,84 USD, nhưng bù lại, đây là 4G. Theo xếp hạng của ITU, Việt Nam đứng thứ 66/181 về giá cước Internet. Nếu chia theo đầu người, giá Internet cố định chỉ chiếm 2% thu nhập người Việt, rẻ hơn so với Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia. Giá cước Internet cố định trung bình của châu Á là 38,5 USD (khoảng 875.000 đồng), cao gần gấp ba lần so với gói cước thấp nhất tại Việt Nam.
Tuy giá cước rẻ, nhưng tốc độ Internet tại Việt Nam thuộc nhóm nhanh. Theo đó, tốc độ trung bình ở Việt Nam là 2,5 Mb/giây, nằm dưới mức chung của thế giới là 3,9 Mb/giây. Nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Bắc Âu đã đạt trên 10 Mb/giây.
Đứt cáp quang AAG là nguyên nhân chính khiến Internet Việt Nam thuộc nhóm 'chập chờn'
Bên cạnh đó, Internet tại Việt Nam lại thuộc nhóm 'chập chờn' do nhiều nguyên nhân, mà nhiều nhất là do sự cố đứt cáp quang, một số thời điểm thời gian sửa chữa kéo dài đến nửa tháng, tuy nhiên nhà mạng không hề có động thái giảm giá cước để đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là hệ quả của việc chọn các đường truyền giá rẻ kết nối với quốc tế.