Việt Nam được xếp hạng thứ 32 trên 75 nước mà Economist khảo sát về giá cả so với thu nhập, độ sẵn sàng, độ phổ biến của Internet.
Hai mươi năm qua, Intenet đã làm thay đổi cuộc sống của con người, nhưng vẫn có đến hơn nửa dân số thế giới chưa tiếp cận công cụ hiện đại này. Thậm chí, ở một số nước phát triển, vẫn có khoảng 1/5 dân số sống trong cảnh 'offline', do không đủ điều kiện hoặc không có nhu cầu, không thấy được giá trị mà Internet đem lại.
Bảng xếp hạng Inclusive Internet Index của Economist được thực hiện tại 75 nước xét trên nhiều khía cạnh khác nhau. Chỉ số thể hiện rõ nhất là độ phổ cập (Availability) của Internet, bao gồm chất lượng và sự phổ biến của cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc truy cập Internet. Bên cạnh đó, còn những yếu tố khác được xem xét như giá cước so với thu nhập (Affordability), sự tương ứng của thông tin (Relevance) - đo sự tồn tại và phổ biến của các nội dung bằng ngôn ngữ địa phương, độ sẵn sàng (Readiness) - xét đến kỹ năng, sự giáo dục, chuẩn bị sẵn sàng cho việc sử dụng Internet, các chính sách hỗ trợ...
Việt Nam đứng thứ 32 trong tổng số 75 nước trong bảng xếp hạng và ở khoảng giữa so với các nước châu Á khác. Về độ phổ cập, Việt Nam nằm ở vị trí 40 nếu khi xét đến tỷ lệ người dùng Internet trên tổng số dân, chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng (nguồn điện, các điểm truy cập Internet, kết nối di động)...
Việt Nam gây ấn tượng mạnh ở hạng mục Relevance khi đứng thứ 18/75 nhờ sự phong phú của nội dung địa phương như tin tức, thông tin tài chính, sức khỏe, giải trí, kinh doanh... bằng ngôn ngữ địa phương. Giá cước Internet của Việt Nam nằm ở mức trung bình.
Tuy nhiên, chỉ số Readiness của Việt Nam tương đối thấp (xếp thứ 42) do không được đánh giá cao về sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc sử dụng Internet, chưa có đủ kỹ năng và các biện pháp an toàn khi truy cập Internet...
Quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng là Singapore, nhưng nước được chấm điểm cao nhất về sự phù hợp của giá cả so với thu nhập là Canada, trong khi Malaysia gây bất ngờ khi đứng đầu về độ sẵn sàng.
Trước đó, Akamai Technologies, hãng quản lý lưu lượng Internet và các dịch vụ điện toán đám mây, công bố Việt Nam xếp hạng thứ 95 về tốc độ truy cập Internet.
1. Singapore
Singapore đứng đầu về độ phổ cập (Availability), thứ 13 về mức giá phù hợp so với thu nhập (Affordability), đứng thứ 16 về thông tin địa phương (Relevance) và thứ 15 về độ sẵn sàng (Readiness).
2. Thụy Điển
Xét về các chỉ số, Thụy Điển đều vượt Singapore (đứng thứ tư về mức giá phù hợp, đứng thứ 8 về thông tin địa phương và thứ 13 về độ sẵn sàng) nhưng lại thua về độ phổ cập khi chỉ đứng thứ hai.
3. Mỹ
Mỹ chỉ xếp hạng 10 về chỉ số quan trọng nhất là độ phổ cập (Availability), nhưng xếp đầu về độ phong phú của thông tin và đứng thứ hai về giá cả hợp lý và độ sẵn sàng.
4. Anh
Anh đứng thứ tư toàn cầu, chỉ sau Thụy Điển ở châu Âu, với các chỉ số đều nằm trong top 7 như độ phổ cập và độ sẵn sàng xếp thứ 7, giá cả đứng thứ 5 và thông tin đứng thứ hai.
5. Nhật
Tai châu Á, Nhật chỉ thua Singapore trên bảng xếp hạng toàn cầu, với độ phổ cập đứng thứ tư, giá cước so với thu nhập đứng thứ 10, thông tin xếp thứ hai và độ sẵn sàng xếp thứ ba.
Những nước 'đội sổ' về chỉ số Internet
75. Congo
Congo đứng bét bảng do được chấm điểm thấp nhất về chỉ số Availability và Affordability cũng như đứng thứ 68 về độ sẵn sàng.
74. Niger
Niger cũng chiếm vị trí gần cuối do không được đánh giá cao cả về hạ tầng lẫn các chính sách hỗ trợ của chính phủ.
73. Liberia
Liberia nằm trong nhóm cuối của bảng xếp hạng chủ yếu do hệ thống điện lưới không ổn định để phục vụ cho nhu cầu truy cập Internet.
72. Mali
Mali bị xếp thứ 72/75 do sự thiếu hụt các nội dung số bằng ngôn ngữ địa phương.
71. Madagascar
Dù các chỉ số khác thấp dẫn đến thứ hạng thấp, Madagascar xếp thứ 45/75 về chất lượng kết nối Internet nhờ băng rộng cố định tương đối nhanh.