Các nhà khoa học đã bước đầu thành công trong việc sử dụng công nghệ không dây điều khiển não, tủy của những bệnh nhân bị liệt, giúp họ có thể đi đứng trở lại bình thường.
Các nhà khoa học vừa đạt được một bước đột phá lớn trong việc tìm cách làm cho các bệnh nhân bị liệt có thể đi đứng trở lại bình thường nhờ vào một giao diện điều khiển hoạt động não không dây.
Theo Reuters, các nhà khoa học Thụy Sĩ đã thành công trong việc làm cho loài linh trưởng bị tổn thương tủy sống lấy lại quyền kiểm soát tay chân nhờ vào những tiến bộ của công nghệ không dây. Nhóm nghiên cứu tiết lộ họ sử dụng một giao diện điều khiển thần kinh như là một cầu nối không dây giữa cột sống và não của những con khỉ từ đó khắc phục được các hạn chế về cử động do tổn thương tủy sống của chúng.
Các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu tính khả thi của tiến bộ này trên các bộ phận nhỏ của cơ thể người.
Jocelyne Bloch, bác sỹ giải phẫu thần kinh tại Bệnh viện Đại học Lausanne, một thành viên quan trọng của nhóm nghiên cứu cho biết: 'Mối liên hệ giữa sự giải mã của bộ não và sự kích thích tủy sống – để làm cho thông tin liên lạc tồn tại – là một vấn đề mới. Lần đầu tiên chúng tôi mơ về viễn cảnh một bệnh nhân bị liệt hoàn toàn có khả năng đi đứng trở lại thông qua giao diện điều khiển kết nối giữa não và cột sống này'.
Mặc dù có khởi đầu khá hứa hẹn nhưng các nhà khoa học cho biết cần phải qua vài năm nữa công nghệ này mới có thể áp dụng trên con người.
Tín hiệu không dây giúp khỉ bị tổn thương tủy có thể đi đứng trở lại.
Nghiên cứu này vừa được công bố trên Nature vào hôm thứ Tư. Các nhà khoa học cho biết giao diện điều khiển này hoạt động bằng cách giải mã các hoạt động của não khi thực hiện việc đi bộ và sau đó chuyển tiếp tín hiệu đến tủy sống (tín hiệu này không gây tổn thương cho các bộ phận của cơ thể). Điều này có thể được thực hiện với việc sử dụng các điện cực để kích thích thần kinh từ đó kích hoạt các cơ bắp ở cả hai chân.
Theo Genk