Trong lịch sử hàng ngàn năm của nhân loại, người ta đã tìm thấy nhiều kiến trúc cổ đại có độ chính xác cao và trình độ nghệ thuật hoàn mỹ. Và ngay cả với công nghệ hiện đại của thế kỷ 21, chúng ta cũng không thể sao chép được nét nghệ thuật tuyệt vời của ngôi đền Kailasa bí ẩn dưới đây.
Đền Kailasa là kiến trúc nổi bật nhất trong quần thể hang động Ellora nằm ở phía tây bang Maharashtra, Ấn Độ. Ngôi đền có kiến trúc phức tạp, đa tầng, được chạm khắc trên núi đá lớn. Công trình kiến trúc cổ đại này đã tồn tại cùng tuế nguyệt, chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử. Đền Kailasa không chỉ khiến du khách mê mẩn và tán thán, mà còn thu hút sự chú ý của các giới học thuật quan tâm đến di sản văn hóa nghìn năm. Thật khó có thể tưởng tượng và lý giải về công nghệ làm nên kiến trúc nghệ thuật của ngôi đền. Vậy, công nghệ nào đã tạc nên ngôi đền đá này?
Truyền thuyết kể lại, đền Kailasa là nơi thờ thần Shiva trong tín ngưỡng của người Ấn Độ. Ngoài ra, ngôi đền còn thờ thêm thần núi Kailasa. Đền Kailasa nằm ở hang động thứ 16 trong 34 hang thuộc quần thể Ellora. Tường của ngôi đền là bức tranh điêu khắc khổng lồ. Các học giả cho rằng, ngôi đền này được xây dựng vào khoảng từ năm thứ 5 tới năm thứ 10 sau Công Nguyên. Tuy nhiên, một số nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn lại cho rằng, công trình kiến trúc này được xây dựng vào thời kỳ văn minh trước cả nền văn minh cổ đại.
Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng đền Kailasa là một công trình kiến trúc dọc thành công. Nhưng chúng ta vẫn băn khoăn tự hỏi, người Ấn Độ cổ xưa đã xây dựng ngôi đền đá này bằng cách nào? Liệu có phải kiến trúc cổ xưa chỉ dùng hình thức tạc đá để tạo dựng ngôi đền? Những học giả chính thống cho rằng, người cổ đại chỉ dùng đục, búa và vật sắc nhọn để tạc ra.
Một học giả theo trường phái huyền bí phương Tây tên là H.P. Blavatsky cho rằng, rất nhiều học giả phải “quay ngược thời gian” để tìm hiểu, và những công trình kiến trúc bằng đá này còn có niên đại lâu đời hơn nữa.
Nhà lịch sử học nổi danh của Ấn Độ và nhà khảo cổ M.K. Dhavalikar, tác giả của cuốn sách giới thiệu về “Ellora” có đưa ra giả thuyết rằng, các lớp kiến trúc của ngôi đền không phải được điêu khắc cùng một thời điểm. Mãi về sau, các bản khắc trang trí cho ngôi đền mới được tạo ra.
Tại hang động thứ 15 là ngôi đền Ấn Độ giáo, trên tường cửa sổ phía Tây có khắc chữ Phạn. Trải qua thời gian lâu dài, nhiều chữ Phạn đã bị nước mưa mài mòn không còn nguyên văn tự. Tuy nhiên, vẫn còn đó văn bản ghi chép về nguồn gốc của hang động. Dựa trên văn tự của một người tên là Dantidurga đã đến thăm hang để lại, công trình được xây dựng vào triều đại Rashtrakuta. Như vậy, chúng ta có thể nói rằng hang động đã tồn tại trong khoảng thế kỷ thứ 8.
Đương nhiên, đó chỉ là một bằng chứng để nói rằng, hang đã tồn tại ở thế kỷ thứ 8, bởi vì dựa trên văn tự khắc trên đồ vật mà khẳng định. Các chữ khắc tại hang đá thứ 33 “Hang Kỳ Na giáo” đã bị mờ gần hết, những tàn tích còn sót lại cho thấy, rất có thể hang đã được xây dựng vào thế kỷ thứ 9.
Từ hàng ngàn năm trước, cho dù là ai đã kiến tạo ra ngôi đền Kailasa, đó cũng là công trình kiến trúc không hẳn được tạc nên từ công cụ búa và đục. Dường như đền Kailasa là một công trình kiến trúc ở thời kỳ văn minh khác của địa cầu. Bí ẩn của công trình đã khiến người thời nay không khỏi tán thán và nghiêng mình trước trí tuệ của con người cổ xưa. Việc phát hiện ra kiến trúc đền Kailasa đã tạo thành tiếng vang cho các nhà khảo cổ học, bởi vì không ai có thể nói rõ được nguồn gốc và lai lịch của các kiến trúc tại nơi đây.
Ngoài ra, hình ảnh quần thể hang đá khiến chúng ta cảm phục nền khoa học kỹ thuật và trí tuệ của con người cổ đại. Họ phải có trí tuệ vĩ đại đến nhường nào mới tạo ra được công trình kiến trúc như vậy. Bạn cũng có thể tự mình đến khám phá vẻ đẹp bí ẩn và tráng lệ các đền thờ tại quần thể hang đá này.
San San biên dịch