Kính viễn vọng vừa ghi lại sự phát triển của một hệ thống đa ngôi sao trong vũ trụ với hai ngôi sao trẻ quay theo quỹ đạo xung quanh ngôi sao trung tâm.
Một nhóm nghiên cứu công bố phát hiện về sự hình thành của hai ngôi sao trẻ trong đĩa khí chuyển động xoáy quanh ngôi sao già hơn trên tạp chí Nature hôm 26/10, theo Nature World News.
Hệ thống đa ngôi sao mới mang tên L1448 IRS3B, nằm trong chòm sao Anh Tiên, cách Trái Đất 750 năm ánh sáng. Nhóm nghiên cứu ước tính cả hệ thống này có độ tuổi ít hơn 150.000 năm, ngôi sao nằm xa nhất chỉ khoảng 10.000-20.000 năm tuổi.
Hình ảnh hệ thống đa ngôi sao hình thành trong vũ trụ được ghi lại bởi kính thiên văn ALMA. (Ảnh: NASA).
Họ sử dụng kính thiên văn Atacama Large Millimeter/submillimeter Array (ALMA) và dữ liệu từ kính thiên văn vô tuyến Very Large Array (VLA) ở Mexico để tính khoảng cách giữa các ngôi sao.
Ngôi sao trẻ bên trong quay theo quỹ đạo xung quanh ngôi sao già nhất ở trung tâm từ khoảng cách bằng 61 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời. Trong khi đó, ngôi sao nằm ngoài cùng cách ngôi sao trung tâm gần 183 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời.
Cả ba ngôi sao được bao quanh bởi một đĩa vật chất tạo thành cấu trúc hình xoắn ốc. Cấu trúc này cho thấy sự bất ổn định của đĩa bao quanh các ngôi sao.
Nhờ việc phát hiện ra L1448 IRS3B, các nhà thiên văn học giờ đây có bằng chứng quan sát trực tiếp về sự chia tách trong các đĩa tạo ra hệ thống đa ngôi sao trẻ từ giai đoạn đầu trong sự phát triển của chúng.
'Nghiên cứu mới này giúp củng cố giả thuyết cho rằng có hai cơ chế hình thành hệ thống đa ngôi sao, bao gồm sự phân tách của đĩa cạnh ngôi sao như trong trường hợp này và trường hợp thứ hai là sự phân tách của đám mây khí và bụi xoay xung quanh ngôi sao đang hình thành', John Tobin, trường đại học Oklahoma, Hà Lan, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Cập nhật: 29/10/2016
Theo VnExpress