Bệnh lao phổi - một trong tứ chứng nan y ngày nay đã không còn là bệnh khó chữa. Nhưng không vì thế mà nó bớt nguy hiểm và khả năng chúng ta mắc phải bệnh lao thực sự cao đến giật mình.
Cái thời bệnh lao phổi là một trong 'tứ chứng nan y' (4 bệnh khó chữa) đã qua rất lâu rồi, đặc biệt là tại những quốc gia giàu có.
Tuy nhiên, nói cách nào đi nữa thì lao phổi cũng là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất trên thế giới. Ước tính chỉ trong năm 2015, đã có 1,8 triệu người chết vì căn bệnh này.
Khuẩn lao - căn bệnh khiến 1,8 triệu người chết mỗi năm.
Khác với các loại khuẩn khác, người ta có thể nhiễm khuẩn lao tuberculois (TB) mà không phát bệnh. Nhưng trái với quan niệm hiện nay là chỉ 10% người nhiễm sẽ phát bệnh thì thực ra tất cả chúng ta đều có nguy cơ, vì thậm chí hàng chục năm sau khuẩn lao vẫn có thể trực chờ tấn công cơ thể nếu gặp điều kiện thích hợp.
Và thực ra, khoảng 20 năm trước, người ta đã ước tính rằng 1/3 dân số thế giới đang mang trong người khuẩn TB gây lao. Có điều, thời gian trôi qua, dân số thế giới tăng tới 20%. Hơn nữa, y học ngày nay cũng đã có những bước tiến vượt bậc, nên chắc chắn tỉ lệ này phải thay đổi một chút.
Để xác định được mức thay đổi này, các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu về khuẩn TB trên 180 quốc gia (tương đương 99% dân số thế giới). Cụ thể hơn, nhóm chuyên gia tại ĐH Sheffield và Rein Houben (Anh) đã sử dụng số liệu từ WHO trước năm 1990, kết hợp cùng số liệu từ khảo sát hiện tại.
Bệnh lao vẫn đang lây nhiễm cho gần 2 tỉ người trên thế giới.
Kết quả, số lượng người đang nhiễm khuẩn lao rơi vào khoảng 1,7 tỉ người - tức là gần 1/4 dân số thế giới hiện nay. Về tỉ lệ thì có thể giảm sút, nhưng con số thực tế vẫn đang ở mức cao.
80% số này đến từ các quốc gia tại châu Á và châu Phi, và thường tập trung ở nhóm người cao tuổi. Đáng chú ý, gần 100 triệu trẻ em hiện nay cũng đang nhiễm TB - con số vượt cả tổng số người tại Đức.
Gần đây, loài người đã chính thức loại bỏ được chứng bệnh đậu mùa cực kỳ nguy hiểm trên phạm vi toàn cầu. Vậy để làm được điều tương tự với lao phổi, các chuyên gia cho rằng chúng ta cần hướng tới nhóm 1,7 tỉ người này. Chỉ cần làm được điều này, nhân loại có thể hoàn thành mục tiêu cắt giảm TB do WHO đưa ra vào năm 2035, qua đó hướng đến việc loại bỏ hoàn toàn chứng lao phổi vào năm 2050.
Nói gì thì nói, lao vẫn là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm.
Bên cạnh đó, Pete Dodd - người đứng đầu nghiên cứu cho rằng việc loại bỏ bệnh lao cần được ưu tiên, vì đây vẫn là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm. Nó vẫn đang lây nhiễm cho gần 2 tỉ người trên thế giới, gây ra 1,8 triệu trường hợp tử vong mỗi năm.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Plos One Medicine.
Để phòng bệnh lao hiệu quả cần tiêm phòng vắc xin BCG cho trẻ sơ sinh.
Tất cả những người có dấu hiệu nghi lao cần được phát hiện bệnh sớm bằng cách xét nghiệm đàm tại cơ sở y tế và điều trị cho khỏi bệnh.
Mọi người cần ăn uống đủ chất, tập luyện thể dục thường xuyên để tăng sức chống đỡ của cơ thể với các loại bệnh, trong đó có bệnh lao.
Gia đình, người thân, bạn bè cần động viên người nghi lao đến cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh lao. Nhắc người bệnh uống thuốc đều đặn theo hướng dẫn của cán bộ y tế, đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh lao khi chăm sóc người bệnh lao.
Chúng ta có thể nhiễm khuẩn lao phổi do hít thở chung bầu không khí với bệnh nhân lao phổi; do thường xuyên hoạt động ở nơi bị ô nhiễm, bụi bẩn, tối tăm (môi trường hoàn hảo cho khuẩn lao); Hoặc do ăn phải thực phẩm bẩn.
Để phòng tránh nhiễm khuẩn lao, việc cần nhất bạn cần làm là ăn uống đủ chất và lành mạnh, tập luyện thể dục thường xuyên để tăng sức đề kháng.
Ngoài ra, hạn chế tiếp xúc với người nhiễm bệnh, đồng thời động viên người có dấu hiệu lao đi khám càng sớm càng tốt. Lao phổi không quá khó chữa, nhưng nếu để lâu thì tỉ lệ tử vong sẽ ngày càng tăng.
Trẻ sơ sinh nên sớm đưa đi tiêm vắc xin BCG phòng lao.
Cập nhật: 28/10/2016
Theo Trí Thức Trẻ