Ngoại trừ Marie Curie, bạn có thể kể thêm được bao nhiêu cái tên của các nữ khoa học khác? Cùng điểm lại một vài nhà khoa học nữ ít được biết đến, đã có công góp phần trực tiếp vào thành tựu của nền khoa học thế giới cho đến ngày nay.
1. Ada King - nữ lập trình viên đầu tiên của nhân loại
Có một tuổi thơ không mấy yên bình và thiếu vắng sự chăm sóc của người cha ngay từ rất nhỏ, Ada King (1815 - 1852) đã tìm cho mình một niềm vui đó là tham gia các nghiên cứu toán học cấp cao. Và rồi, tài năng của Ada được phát hiện.
Bà nhanh chóng trở thành đồng nghiệp với nhà nghiên cứu máy tính Charles Babbage sau khi được người giảng viên của mình giới thiệu. Nhận thấy các máy móc dùng để tính toán xuất hiện phổ biến vào thế kỉ XIX, nhưng vẫn rất cồng kềnh, đặc biệt là những máy tính số học, Babbage đã nghiên cứu và đề xuất một sáng kiến mới, gọi là Công cụ phân tích.
Ada nhận thấy được tiềm năng của sáng kiến này có thể vượt ra khỏi các phép toán đơn giản nên đã cống hiến hết mình cho nghiên cứu này. Trong khi dịch và tìm hiểu dữ liệu về công cụ phân tích, bà đã viết ra các thuật toán đầu tiên - được coi như là một chương trình máy tính sau này.
2. Emmy Noether - nữ hoàng toán học
Ở vào cùng thời với Einstein, Emmy Noether (1882 - 1935) được ví như 'nữ hoàng của toán học'. Bà nghiên cứu về đại số trừu tượng và viết nhiều cuốn sách về các khái niệm toán khác nhau. Không những vậy, bà còn viết ra định lý của riêng mình với tên gọi “định lý Noether”. Định lý nói về những định luật cơ bản như bảo toàn động lượng tuyến tính và bảo tồn năng lượng.
Thậm chí đến ngày nay, nghiên cứu của Emmy vẫn được sử dụng trong công cuộc khám phá hố đen và tìm ra đối tượng mới ngoài không gian.
Có thể nói, Emmy không chỉ là người mẹ đỡ đầu cho nền toán học hiện đại mà còn là một người rất quảng đại. Bà cho phép các học giả khác sử dụng công trình của mình mà không cần dẫn nguồn, vì thế bà luôn được vinh danh như một đồng tác giả của các bài báo về toán học hiện đại. Tên của bà được đặt cho một tiểu hành tinh nhỏ trong vành đai của hệ Mặt trời.
3. Mary Anning - nhà cổ sinh vật học
Mary Anning (1799 - 1847) sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động Anh. Cha cô thường khai thác các hóa thạch vào thời gian rảnh rỗi để bán cho khách du lịch, và ông thường đem các con của mình theo mỗi khi tìm kiếm.
Mặc dù được cho là sẽ theo đuổi công việc đồng áng, nhưng Mary lại quyết định chọn sự nghiệp 'đào bới', tìm hiểu về các hóa thạch bởi bà luôn có cảm hứng với chúng.
Mary đã thực hiện một loạt những khám phá mang tính cách mạng trong những năm đầu thế kỷ XIX. Bà đã khai quật được những phần xương khổng lồ của loài thằn lằn cá, plesiosaurs (một loài khủng long nước có 4 vây và cổ dài) hay thằn lằn bay vào khoảng năm 1809 - 1829.
Hóa thạch của những loài khủng long cổ đại này là những phát hiện vô cùng quan trọng bởi trước đó, chưa ai tìm ra manh mối về chúng. Những đóng góp của Mary đã giúp giải quyết nhiều tranh cãi về sự tuyệt chủng và trở thành ý tưởng sáng lập ra lĩnh vực cổ sinh vật học.
Nhưng bởi xuất thân từ một gia đình dị giáo nghèo nên những phát hiện của cô không được cộng đồng khoa học công nhận. Các nhà địa chất báo cáo về những khám phá của Mary nhưng không bao giờ đề cập đến sự tham gia của bà. Chỉ khi bà mất, một số loài đã được đặt theo tên của Mary nhằm vinh danh những đóng góp quan trọng giúp thay đổi mô hình cổ sinh vật.
4. Dorothy Hodgkin - phát hiện ra cấu trúc vitamin B12
Dorothy Hodgkin (1910 - 1994) được sinh ra ở Ai Cập, có cha mẹ là những nhà khảo cổ học. Trong Thế chiến thứ I, Dorothy trở lại Anh và bắt đầu công cuộc học tập của mình.
Từ sớm, bà đã bộc lộ tài năng phi thường về hóa học của mình và được chấp nhận cho theo học ở ĐH Somerville mặc dù chưa vững vàng tiếng Latin. Tại đây, bà bắt đầu nhận thức về tinh thể tia X, điều mà sau này đã dẫn đến những khám phá lớn nhất của bà.
Bằng việc sử dụng kỹ thuật mới tinh thể học Xquang và những máy tính đầu tiên, bà đã phát hiện ra cấu trúc phân tử của penicillin, vitamin B12 và insulin. Công trình của bà giúp vẽ ra những bản đồ protein phức tạp đã được đón chào như một thành tựu vĩ đại.
Từ đó, các nhà khoa học có thể thay đổi và tổng hợp các chủng mới của penicillin, insulin và B12, giúp cứu sống được vô số người. Bà nhận giải Nobel năm 1964 nhờ phát hiện ra cấu trúc của B12 và cũng là một nhà hoạt động nhân quyền đấu tranh cho hòa bình, giải trừ quân bị trên thế giới.
5. Jocelyn Bell Burnell - người đầu tiên quan sát, phân tích các ẩn tinh
Jocelyn Bell Burnell, nhà vật lý thiên văn người Ireland, bắt đầu nghiên cứu thiên văn học sau khi cha bà, một kiến trúc sư, thiết kế nhà mô hình vũ trụ ở Bắc Ireland. Năm 1969, Burnell nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Cambridge, Anh, khi bà tham gia chế tạo một chiếc kính thiên văn cho phép phát hiện tín hiệu vô tuyến từ ẩn tinh, sóng tàn dư của những ngôi sao lớn.
Tên của bà và cộng sự xuất hiện trên nhiều ấn phẩm học thuật. Nhưng chỉ có Antony Hewish, cấp trên của Burnell và đồng nghiệp Martin Ryle, nhận giải thưởng Nobel năm 1974 dành cho những khám phá này.
6. Rosalind Franklin - chụp ảnh cấu trúc ADN
Rosalind Franklin, nhà khoa học nữ người Anh, là người đầu tiên chụp ảnh cấu trúc ADN thông qua quá trình nhiễu xạ tia X. Ngày nay, chúng ta biết ADN là một chuỗi xoắn kép, gồm hai mạch nucleotide song song, xoắn đều theo chiều từ trái sang phải.
Theo Scientific American, những bức ảnh ADN của Franklin bị sử dụng khi chưa được bà cho phép. Năm 1953, Francis Crick và James Watson công bố loạt ảnh trên ấn bản của tạp chí Nature, nhưng chỉ chú thích tên Franklin ở cuối trang. Franklin đã qua đời trước khi chứng kiến Watson và Crick nhận giải Nobel. Năm 1958, Franklin chết vì bệnh ung thư, có thể do tiếp xúc quá nhiều với tia X.
7. Lise Meitner
Lise Meitner, nhà vật lý người Áo, làm việc cùng với nhà hóa học Otto Hahn suốt 30 năm để khám phá hiện tượng phân rã hạt nhân, nghiên cứu cho phép chế tạo quả bom nguyên tử sau này. Meitner tiến hành một phần nghiên cứu ở Thụy Điển khi chạy trốn khỏi Đức quốc xã. Dù cả hai nhà khoa học cùng nghiên cứu và được đề cử, chỉ có Hahn nhận giải Nobel vào năm 1944.
Meitner cũng có công phát hiện, bổ sung thêm một nguyên tố trong bảng tuần hoàn hóa học, đó là nguyên tố meitneri (Mt), mang số hiệu nguyên tử 109.
8. Cecilia Payne-Gaposchkin
Cecilia Payne-Gaposchkin là chuyên gia nghiên cứu thực vật, vật lý, hóa học tại Đại học Cambridge, Anh, trong những năm đầu thế kỷ 20. Payne chuyển đến Mỹ để tốt nghiệp và nhận học vị. Tại Đại học Radcliffe trực thuộc Đại học Harvard, Mỹ, Payne trở thành người đầu tiên nhận học vị tiến sĩ vật lý thiên văn khi giải thích ngôi sao có cấu tạo từ hydro và heli.
Luận án của Payne được đánh giá là 'luận án tiến sĩ xuất sắc nhất từng được viết trong lĩnh vực thiên văn học'. Tuy nhiên, phải mất 5 năm sau đó khám phá của bà mới được chấp nhận rộng rãi, khi nhà khoa học Henry Norris Russell công bố kết quả tương tự.
9. Nettie Stevens
Nettie Stevens, tiến sĩ di truyền học người Mỹ, là người đầu tiên khám phá tầm quan trọng của nhiễm sắc thể Y trong việc xác định giới tính của một loài nhất định. Giới khoa học trước đó cho rằng, mẹ và các yếu tố môi trường xác định giới tính của một người.
Trong mắt nhiều người, Stevens chỉ là người làm việc cho nhà khoa học nổi tiếng Thomas Morgan, trong khi hầu hết các phát hiện của bà đều được thực hiện độc lập. Thomas Morgan mới đầu bác bỏ những suy nghĩ của Stevens về nhiễm sắc thể Y, nhưng sau đó công nhận phát hiện trên vào năm 1905.
9. Irene Curie-Joliot
Nhà hóa học Irene Curie-Joliot là con gái của nhà khoa học Marie Curie đã theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học từ cha mẹ. Theo đó, Irene Curie-Joliot từng nhận giải Nobel về hóa học vào năm 1935.
10. Jane Goodall
Nhà linh trưởng học người Anh nổi tiếng thế giới Jane Goodall đã dành hơn 50 năm sống trong rừng với tinh tinh trong những cánh rừng nguyên sinh ở châu Phi. Bà còn được biết đến với tên gọi 'hiệp sĩ rừng xanh' khi dành cả tuổi thanh xuân của mình để nghiên cứu về loài linh trưởng này.
11. Barbara McClintock
Nhà di truyền học Barbara McClintock vinh dự được nhận giải Nobel Sinh học năm 1983 và trở thành người phụ nữ tại Mỹ đầu tiên nhận được giải thưởng khoa học danh giá này. Bà đã có nghiên cứu mang tính đột phá về bộ gene cây ngô. Theo bà McClintock, bộ gene của ngô không phải cố định. Nó có rất nhiều sự thay đổi qua các đời khác nhau, trong đó chưa kể đến các đột biến.
12. Hypatia
Nhà khoa học Hypatia của Hy Lạp có nhiều thành tựu nổi trội trong lĩnh vực vật lý và thiên văn học. Bà được tôn vinh như một vị thánh của khoa học khi sinh sống vào thời điểm xã hội không khuyến khích phụ nữ đi học cũng như đề cao, kỳ vọng họ trở thành nhà khoa học, nhà toán học. Bà là con gái nhà toán học và triết học nổi tiếng ở Alexandria nên được cha truyền dạy kiến thức.
Cập nhật: 21/10/2016
Tổng hợp