Không phải thuốc lá và tình trạng ô nhiễm không khí, nguy cơ nào đang gây ra nhiều ca tử vong sớm nhất trên toàn cầu? Theo nghiên cứu của Viện Số liệu và đánh giá sức khỏe Hoa Kỳ (IMHE), thủ phạm nguy hiểm nhất đang giết chết chúng ta lại chính là chế độ ăn uống nghèo nàn.
Theo đó, chỉ riêng những chế độ ăn nhiều thịt đỏ và đồ uống có đường đã liên kết với 21% các ca tử vong sớm trên toàn cầu. Ngoài ra, thiệt hại sức khỏe còn xuất hiện từ những chế độ ăn ít trái cây, rau quả, các loại hạt, ngũ cốc nguyên cám và quá nhiều muối cũng như cholesterol.
Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh đang giết chết chúng ta.
Nghiên cứu của IMHE xem xét 14 yếu tố nguy cơ liên quan đến chế độ ăn uống. Theo đó, tích lũy trong một giai đoạn dài, ăn uống không lành mạnh: bao gồm chế độ ăn ít trái cây, ngũ cốc nguyên cám, rau và chế độ ăn nhiều thịt đỏ hay các loại đồ uống có đường đang gây ra nhiều cái chết hơn bất kể một yếu tố nào khác. Nó đang gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm như thiếu máu đến tim, đột quỵ và tiểu đường.
Được công bố trên tạp chí Lancet, nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ những năm 1990 đến năm 2013 của 188 quốc gia. Dữ liệu này bao gồm hơn một nửa số ca tử vong xảy ra trên toàn cầu và một phần ba những trường hợp sức khỏe yếu kém, có liên quan đến những yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa.
Điều đó chỉ ra rằng chúng ta có thể cứu sống rất nhiều người và cải thiện tình trạng sức khỏe toàn cầu nếu có được những giải pháp tốt. 'Khả năng cao, chúng ta có thể cải thiện sức khỏe bằng cách tránh những rủi ro nhất định như hút thuốc và chế độ ăn uống nghèo nàn, bên cạnh đó là giải quyết các rủi ro về môi trường như ô nhiễm không khí', Giám đốc IHME, Tiến sĩ Christopher Murray cho biết.
Nhưng đó sẽ là một thách thức lớn dành cho những nhà hoạch định chính sách. Các tác giả kêu gọi phải có nhiều giải pháp hơn nữa để ngăn chặn các trường hợp tử vong và bệnh tật gây ra bởi các yếu tố nguy cơ. 'Việc đánh giá toàn tiện các yếu tố nguy cơ trong nghiên cứu đã cho chúng ta thấy rõ đâu là những nơi mà các chương trình phòng ngừa nên nhắm tới', các tác giả viết.
Nghiên cứu này cũng xem xét đến các yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa, chưa đủ để gây ra cái chết, nhưng là nguyên nhân của tình trạng sức khỏe yếu kém. Nhìn chung, các yếu tố nguy cơ hàng đầu cũng vẫn là cao huyết áp, hút thuốc và béo phì. Nhưng chúng có sự thay đổi qua từng vùng địa lý trên thế giới.
Nhìn chung, các yếu tố nguy cơ hàng đầu cũng vẫn là cao huyết áp, hút thuốc và béo phì.
Ở các nước Mỹ Latinh và Trung Đông, béo phì là nguy cơ cao nhất đối với tình trạng sức khỏe yếu kém. Khu vực Nam và Đông Nam Á, ô nhiễm không khí trong nhà là nguy cơ hàng đầu. Trong đó, Ấn Độ đang phải đối mặt với nguy cơ lớn nhất liên quan đến thiếu nước sạch và suy dinh dưỡng ở trẻ em. Ở Nga, rượu là nguy cơ đứng thứ 2. Hút thuốc lá là nguy cơ gây ra tình trạng sức khỏe yếu kém ở nhiều quốc gia thu nhập cao.
Qua nghiên cứu của mình, các nhà khoa học kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới phải có những hành động cụ thể nếu muốn nâng cao tình trạng sức khỏe quốc gia và toàn cầu:
'Chúng ta cần phải tập trung vào việc giảm thiểu những rủi ro cho công dân từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Chẳng hạn như hành động trên chế độ ăn uống nghèo nàn và mức độ hoạt động thể chất thấp', Tiến sĩ Ivy Shiue, đồng tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Northumbria cho biết. 'Điều này sẽ làm giảm gánh nặng cho hệ thống y tế và đảm bảo rằng tất cả chúng ta sẽ sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn'.
Cập nhật: 28/09/2016
Theo Trí Thức Trẻ