Kế hoạch mở cửa hàng được Facebook thảo luận từ năm ngoái, trước khi công ty được đổi tên thành Meta. Đây được cho là nơi để công ty của Mark Zuckerberg giới thiệu các thiết bị phần cứng phục vụ cho metaverse như kính AR, VR với sản phẩm Facebook Portal, Oculus VR.
Chuỗi cửa hàng mới của Meta giúp khách hàng trải nghiệm công nghệ mới nhất miễn phí, từ đó khiến người dùng đến gần hơn với những khái niệm, hình dung mới về vũ trụ ảo, hướng đi mới của tập đoàn Mỹ.
Các cửa hàng mới là nơi trải nghiệm sản phẩm vũ trụ ảo của Facebook
Theo nguồn tin từ The Verge, các cửa hàng có tên là Facebook Store hoặc Meta Store. Cửa hàng hàng đầu tiên sẽ được xây tại Burlingame, California. Nội thất trong cửa hàng được chăm chút tỉ mỉ với khu trưng bày các sản phẩm ở vị trí trang trọng nhất. Ngoài ra, thiết kế không gian phải phù hợp để khách hàng dễ dàng trải nghiệm thiết bị và công nghệ metaverse của Facebook.
Phong cách thiết kế, mặt bằng cụ thể cũng như diện tích của Facebook Store hay Meta Store chưa được tiết lộ.
Ở sự kiện Connect hôm 29/10, Mark Zuckerberg đề cập đến tham vọng phát triển từ mạng xã hội đơn thuần sang công ty vũ trụ ảo. Ông cũng giới thiệu các dự án mới như nền tảng cho phép họp qua phòng ảo với kính VR Horizon Workrooms.
Việc chuyển hướng từ mạng xã hội đơn thuần sang metaverse diễn ra đúng giai đoạn khủng hoảng của Facebook. Công ty đang phải giải quyết những rắc rối liên quan đến cáo buộc về “Hồ sơ Faceboo”. Tài liệu phơi bày hàng loạt thất bại của công ty trong việc ngăn chặn làn sóng thông tin sai lệch, phân biệt chủng tộc, kích động thù hận và nhiều tác hại khác do nền tảng này gây ra.
Từ khi ra mắt đến nay, Facebook liên tục gặp những bê bối khiến việc phát triển bền vững của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Càng gần đây, áp lực từ dư luận tăng cao khiến mạng xã hội lớn nhất thế giới đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Đầu năm 2020, Facebook gây tranh cãi thông báo sẽ không kiểm duyệt quảng cáo của các chính trị gia, cũng như cho phép những vị này xuất bản bài đăng có thể chứa thông tin sai lệch trên nền tảng. Điều này khiến giới chuyên gia và người dùng phản ứng. Cũng trong thời gian này, Mark Zuckerberg cho biết sẽ không xóa bài đăng của Tổng thống Donald Trump dù chứa các thông tin gây kích động, vì công ty áp dụng chính sách miễn trừ các nhân vật đáng chú ý khỏi bộ quy tắc nội dung.
Định hướng phát triển mới của Facebook được đưa ra trong hoàn cảnh công ty đang chịu áp lực lớn từ bê bối
Giữa năm 2020, Mark Zuckerberg phải điều trần về chống độc quyền trước Quốc hội Mỹ, cùng với CEO của Amazon, Apple và Alphabet của Google. Nhiều chính trị gia bày tỏ sự lo ngại khi Mark Zuckerberg nắm trong tay quyền lực quá lớn và đề xuất chia tách mạng xã hội này để dễ quản lý hơn. Tháng 9/2020, cựu nhân viên Sophie Zhang tố Facebook không ngăn chặn được sự thao túng chính trị của các chính phủ nước ngoài.
Hiện tại, CEO Mark Zuckerberg và Facebook tiếp tục đối mặt với “ác mộng tồi tệ”, cũng đến từ nhân viên cũ. Trước khi xin nghỉ việc vào tháng 5 năm nay, cựu quản lý Frances Haugen sao chép hàng nghìn trang tài liệu nội bộ của Facebook, sau đó chia sẻ cho giới truyền thông và ra làm chứng trước Quốc hội Mỹ. Tài liệu cho thấy mạng xã hội lớn nhất thế giới biết rõ những tác động tiêu cực của Instagram lên trẻ vị thành niên, sự tồn tại của các nhóm kích động bạo lực, hay cách những kẻ buôn người dùng Facebook như công cụ giao dịch... Tuy nhiên, công ty vẫn chọn cách phớt lờ hoặc xử lý hời hợt vì ưu tiên lợi nhuận.