Cụ thể tòa yêu cầu Apple:
Không được cấm nhà phát triển đưa vào app hoặc phần mô tả, thông tin của app những nút nhấn, đường link dẫn ra bên ngoài, cũng như các hình thức call to action khác dẫn khách hàng đến cơ chế mua hàng riêng, bên cạnh cơ chế In-App Purchasing.
Apple cũng được tòa yêu cầu không được phép cấm nhà phát triển giao tiếp với khách hàng thông qua các hình thức khác dựa trên thông tin mà người dùng tự nguyện cung cấp trong quá trình đăng kí bên trong app
Với hệ thống thanh toán trong ứng dụng, Apple thường lấy phí hoa hồng từ 15 - 30% (15% là mới giảm hồi 1 tháng 1 năm 2021, trước đó là 30%). Doanh thu của App Store đã đạt hơn 64 tỉ đô trong năm 2020. Sau phán quyết trên, cổ phiếu của Apple lập tức giảm hơn 3% hôm thứ 6. Dù vậy, phán quyết này chỉ kết thúc phần đầu của cuộc chiến pháp lý giữa Epic Games và Apple. Trước đó, Apple đã thắng 9/10 tội danh bị cáo buộc nhưng bị phát hiện có hành vi phản cạnh tranh theo luật California. Vì vậy, 'táo mẻ' sẽ phải thay đổi chính sách của App Store cũng như nới lỏng các hình thức thanh toán trong ứng dụng.
Trong một phán quyết khác, tòa án khẳng định Epic Games đã vi phạm hợp đồng với Apple khi triển khai hệ thống thanh toán riêng trong game Fornite. Do đó, Epic phải trả cho Apple 30% tổng doanh thu thu được từ hệ thống thanh toán này kể từ khi nó được triển khai, vị chi là hơn 3,5 triệu đô.
Đáng chú ý, bà Gonzalez Rogers cũng bác bỏ định nghĩa của cả 2 bên về thị trường được đề cập trong đơn kiện. Thị trường ở đây là các giao dịch trong trò chơi kỹ thuật số, không phải tất cả ứng dụng iPhone như Epic Games đã cáo buộc và cũng không phải tất cả trò chơi điện tử như Apple tuyên bố.
Dựa trên định nghĩa này thì 'tòa án sau cùng không thể kết luận rằng Apple độc quyền từ đó vi phạm luật chống độc quyền của liên bang hoặc tiểu bang. Tuy nhiên, phiên tòa cho thấy Apple có các hành vi chống cạnh tranh theo luật cạnh tranh của California.' Bà Gonzalez Rogers cũng để ngõ khả năng cáo buộc độc quyền của Apple có thể được chứng minh.
Cố vấn pháp lý của Apple - Kate Adams nói: 'Chúng tôi rất hài lòng với phán quyết của tòa, và chúng tôi coi đây là một chiến thắng to lớn của Apple. Tòa án đã khẳng định những gì chúng ta đã biết: App Store không vi phạm luật chống độc quyền.' … 'Apple phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong mọi phân khúc kinh doanh và chúng tôi tin rằng khách hàng cũng như các nhà phát triển chọn chúng tôi vì sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi tốt nhất trên thế giới. Chúng tôi vẫn giữ vững cam kết rằng App Store là một kho ứng dụng an toàn và đáng tin cậy.'
Trong khi đó trên Twitter, CEO Tim Sweeney của Epic Games bày tỏ sự thất vọng khi nói: 'Phán quyết hôm nay không mang lại chiến thắng cho các nhà phát triển hay người dùng. Epic đang đấu tranh cho sự công bằng giữa các phương thức thanh toán trong ứng dụng và kho ứng dụng cho cả tỷ người dùng.' Được biết Epic Games đã có kế hoạch kháng cáo.
Trước đó tại Nhật Bản, Apple đã đồng ý cho cho phép các ứng dụng như Netflix, Spotify, Amazon Kindle … dẫn link đến các trang thanh toán bên ngoài sau một cuộc điều tra của Ủy ban công bằng thương mại nước này (JFTC). Gần đây hơn, Hàn Quốc đã thông qua dự luật nhằm ngăn Apple và Google hạn chế các nhà phát triển ứng dụng dùng hệ thống thanh toán riêng.
Mâu thuẫn giữa Epic Games và Apple xoay quanh hệ thống phí giao dịch trong App Store trên iOS đã tồn tại trong nhiều năm. Apple xem đây là chi phí hoạt động cần thiết nhưng Epic Games lại xem là một loại thuế độc quyền. Cuộc chiến pháp lý được châm ngòi vào tháng 8 năm 2020 khi Epic tích hợp hệ thống thanh toán riêng trong Fortnite để tránh phí giao dịch của App Store. Apple phản ứng bằng việc gỡ Fortite ra khỏi App Store và khiếu nại pháp lý nổ ra ngay sau đó.
Theo: The Verge; CNBC
applekiện tụngcuộc chiến pháp lýepic gamesthanh toán trong ứng dụngepic kiện apple