Trong nghiên cứu này, người ta đã phải xem xét qua hàng ngàn bài viết trên Facebook được đăng tải từ hơn 2,500 cá nhân hoặc tổ chức trong giai đoạn từ tháng 8 năm 2020 đến tháng 1 năm 2021. Các trang đăng thông tin sai lệch thường có nhiều lượt thích, chia sẻ và bình luận hơn đáng kể. Điều này khiến nhóm nghiên cứu dấy lên câu hỏi rằng liệu phải chăng thuật toán của Facebook chính là một trong những yếu tố khiến tin giả có thể “đi nhanh và xa hơn”? Bên cạnh đó ta cũng biết rằng, nếu một bài post nào đó càng thu hút được nhiều tương tác, nó sẽ lại được thuật toán tăng cường hiển thị lên so với những bài đăng thông thường ít tương tác hơn. Và, phải chăng khả năng quản lý nội dung sai sự thật của Facebook đang có vấn đề?
Phía Facebook sau khi đọc được bài nghiên cứu trên đã đưa ra những lập luận phản bác. Họ nói rằng nghiên cứu này chưa đủ bao quát, khi mà những thông số mà các nhà nghiên cứu xem xét đang chỉ là “engagement”, không phải là “reach”. Reach là thuật ngữ mà công ty dùng để mô tả rằng có bao nhiêu người đã tiếp cận/thấy được bài đăng đó, bất kể họ có tương tác với chúng hay không. Thực tế thì thông số này không được công khai, trừ chính những người quản lý trang Facebook mới có thể có được số liệu này.
Facebook có một công cụ gọi là CrowTangle có thể giúp người dùng thu thập và lên danh sách các bài đăng thu hút được nhiều sự quan tâm trên Facebook. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu trên được cho là đã bị Facebook cắt quyền truy cập vào công cụ này để thu thập số liệu nghiên cứu. Facebook nói rằng việc cung cấp dữ liệu này cho một bên nghiên cứu thứ 3 có thể khiến họ vi phạm thoả thuận trước đó với FTC - Federal Trade Commission. Đây là Uỷ ban Thương mại Liên bang, cơ quan pháp lý đã từng tham gia giải quyết vụ bê bối Cambridge Analytica.
Trong nỗ lực chứng minh “sự trong trắng” của mình, Facebook đã cho ra mắt tính năng để người dùng có thể báo cáo tính xác thực của thông tin hồi tháng 8. Bên cạnh đó, họ cũng đưa ra danh sách các bài đăng được nhiều người xem nhất trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6. Tuy nhiên, buồn cười ở chỗ, tờ The New York Times nói rằng công ty đã âm thầm không công bố những bài đăng nhiều view nhất trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3.
Anh em biết vì sao không? Vì trong giai đoạn này, những bài đăng nhiều view nhất trên Facebook chính là những bài viết sai sự thật, tin giả về cái chết của một bác sĩ ở Florida với vaccine Covid-19. Thông tin này được đăng lại hàng loạt bởi nhiều trang khác nhằm khiến mọi người nghi ngờ về tính an toàn của vaccine.
Theo The Verge
Ảnh cover The Verge
facebookmạng xã hộitin giảcovidtin thật