Kiểu thở chúm môi
Mím môi và hít vào bằng mũi trong hai nhịp, giữ 3-5 giây nếu không khó thở sau khi hít vào. Chúm môi như đang thổi sáo và thở ra từ từ bằng miệng trong 4 nhịp.
Kiểu thở bụng
- Một tay đặt lên ngực, một tay đặt lên bụng để cảm nhận di động của ngực và bụng.
- Hít vào bằng mũi, mím môi, bụng phình ra, tay ở bụng nhô lên. Thở từ từ bằng miệng, môi chúm lại giống như thổi sáo, bụng xẹp xuống, tay ở bụng hạ xuống.
- Hít vào 1-2 nhịp thở ra 1-2-3-4 nhịp. Lúc thở ra gấp đôi lúc hít vào.
Kiểu thở ngực kết hợp tay
- Người bệnh đưa tay lên mở rộng lồng ngực kèm hít vào. Có thể giữ hơi thở lại khoảng 3-5 giây nếu như không gây khó thở.
- Đưa tay xuống kèm thở ra bằng phương pháp chúm môi.
Trong quá trình tập thở, khi hít vào và thở ra không cần gắng sức quá mức. Kết hợp động tác thở chúm môi với thở bụng hoặc thở ngực kết hợp tay vào trong một lần hít thở và nên luyện tập thường xuyên ít nhất ba lần/ngày, mỗi lần 5-10 phút. Hai động tác này có thể thực hiện trong cả lúc ngồi hoặc nằm.
Các tư thế nằm sấp để cải thiện oxy phổi - Ảnh: Bác sĩ Trương Hữu Khanh
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm Khuẩn - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, hướng dẫn 3 cách cải thiện sức khỏe cho F0 điều trị tại nhà:
Thứ nhất là tập thở. Bệnh nhân COVID-19 bị khó thở có thể do hai nguyên nhân. Một là bệnh nhân quá lo lắng. Hai là họ thực sự có tổn thương ở phổi. Do đó việc tập thở sẽ giúp người bệnh chú tâm vào nhịp thở để bớt lo lắng đi. Ngoài ra, khi tập thở, toàn bộ vùng phổi phía gần cơ hoành sẽ nở hết ra, giúp phổi trao đổi oxy tốt hơn.
Bạn có thể tập lúc nằm hoặc ngồi, nằm ngửa ra hít chậm bằng mũi, cho đến khi phình bụng sau đó chu miệng thở ra như thổi lửa 15-20 nhịp mỗi lần, ngày 4-5 lần. Ngồi cũng hít sâu sau đó thở ra. Hít giơ tay lên theo nhịp sau đó thở ra.
'Bắt buộc phải tập thở nếu triệu chứng nhẹ, và phải đi bệnh viện nếu khó thở nặng hơn, không còn cách nào khác', bác sĩ Khanh nói và khuyến nghị F0 phải bình tĩnh, tập thở thường xuyên.
Khi bạn khó thở mà chưa được hỗ trợ y tế, giải pháp bác sĩ đưa ra là nằm sấp. Đây là phương pháp hiệu quả với bệnh nhân khó thở liên quan đến COVID-19.
Theo bác sĩ Khanh, thông thường ta chỉ thở phần phổi trên, chỉ có những người tập khí công hoặc yoga mới tập thở phần dưới của phổi. Tuy nhiên, khi mắc COVID-19, phần trên không đủ trao đổi khí thì phải sử dụng tất cả vùng dưới của phổi. Vì thế, việc nằm sấp sẽ huy động được tất cả phần phổi ở ở phía sau. Ngoài ra, thay đổi tư thế nằm nghiêng bên phải và nằm nghiêng bên trái để tất cả phổi hoạt động.
Cụ thể như sau: Bắt đầu nằm sấp trên giường phẳng trong 30 phút đến hai tiếng, sau đó chuyển sang nằm nghiêng bên phải 30 phút đến hai tiếng rồi chuyển sang ngồi dậy (30-60 độ) từ 30 phút đến hai tiếng. Tiếp theo, bạn chuyển sang nằm nghiêng bên trái, trở lại tư thế nằm sấp và co chân, rồi trở lại vị trí nằm sấp trong 30 phút đến hai tiếng.
Trong quá trình điều trị ở nhà, bệnh nhân COVID-19 cần bổ sung dinh dưỡng, cố gắng ăn uống đảm bảo đủ chất, nên uống bổ sung một số loại vitamin như vitamin C, uống nhiều nước, giữ vệ sinh thân thể. Lưu ý tập các động tác thể dục vừa sức, không tập thể dục nặng, đọc sách, báo, tìm kiếm tin tức tích cực, giảm stress...
Trong bữa ăn bạn nên kết hợp bổ sung các thực phẩm gia vị vào trong món ăn để nâng cao sức đề kháng như tỏi, gừng, hanh, hẹ. Uống thêm các loại nước ép khác cũng giúp bạn tăng cường sức đề kháng.