Nhìn vào thực tế của ngành chăn nuôi lạm dụng kháng sinh của chúng ta hiện nay, chúng ta biết rằng đó là một nguyên nhân chính thúc đẩy quá trình vi khuẩn đột biến và trở nên kháng thuốc. Mỗi trang trại bơm đầy kháng sinh vào động vật của họ trở thành một cái nôi cho siêu vi khuẩn phát triển.
Bởi vậy, tiêu thụ sản phẩm thịt chăn nuôi với kháng sinh chẳng khác nào bạn đang gián tiếp góp phần gây ra hơn 10 triệu cái chết mỗi năm sau vài thập kỷ tới. Giờ nếu chuyển sang ăn chay thì sao? Liệu bạn có thể thanh thản trút bỏ trách nhiệm của mình?
Câu trả lời là: Không! Ngay cả ăn chay hoàn toàn bạn vẫn có trách nhiệm trước sự phát triển của siêu vi khuẩn kháng kháng sinh. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta cũng sử dụng kháng sinh trong lĩnh vực trồng trọt. Chỉ có điều, mức độ kháng sinh sử dụng trên các sản phẩm rau quả là thấp hơn nhiều so với thịt.
Trừ khi lựa chọn hoàn toàn thực phẩm hữu cơ, ăn chay vẫn khiến bạn có trách nhiệm trong quá trình vi khuẩn phát triển kháng thuốc. Đó là vấn đề đang đe dọa đưa chúng ta đến với thời kỳ tối tăm của y học, được gọi với cái tên 'hậu kháng sinh', nơi mà một vết xước nhỏ trên da cũng có thể dẫn đến cái chết không thể cứu chữa.
Ăn chay, bạn vẫn có trách nhiệm trong việc khiến vi khuẩn trở nên kháng thuốc.
Thế nhưng lại tiếp tục nói về việc lựa chọn thực phẩm hữu cơ. Ngay cả khi bạn ăn chay nghiêm ngặt với tất cả những thực phẩm sạch kháng sinh. Thậm chí cả cuộc đời bạn không bao giờ lạm dụng kháng sinh dù chỉ một lần. Kể cả như vậy cũng không khiến bạn nằm trong một vòng bảo vệ chính bản thân mình khỏi siêu vi khuẩn.
Bạn có thể làm mọi biện pháp đúng theo những hướng dẫn từ cơ quan y tế, vi khuẩn kháng thuốc vẫn sẽ không ngừng phát triển. Chú ý đến thực phẩm chúng ta ăn chỉ là một phần giải pháp. Có rất nhiều việc khác cần phải được thực hiện.
Ngay trong tuần này, cuộc họp khẩn đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc về vấn đề kháng kháng sinh sẽ diễn ra. Một cuộc họp như vậy trước đây chỉ dành cho đại dịch AIDS và Ebola. Điều đó đủ chứng tỏ kháng kháng sinh ngày nay đã trở thành một mối đe dọa lớn thế nào. Và những giải pháp dành cho nó cũng sẽ cần một hướng tiếp cận đặc biệt.
Trợ lý Tổng Giám đốc về An ninh Y tế của Tổ chức Y tế thế Giới, Keiji Fukuda cho biết: 'Trong những buổi hội thảo trước đây, chỉ có các bộ trưởng y tế và bộ trưởng nông nghiệp tham dự nhưng lần này sẽ khác, một mức mới được hình thành khi mà các thủ tướng, các tổng thống sẽ có mặt',
Keiji Fukuda cũng nói rằng sẽ không thể giải quyết vấn đề chỉ bằng các giải pháp từ trên xuống, ví dụ như những hướng dẫn, thậm chí là luật pháp của cơ quan y tế và chính phủ. Một hướng tiếp cận từ dưới lên, bắt đầu từ phía người dân cũng không thể là lối thoát.
'Thực sự, những gì tôi nghĩ về một giải pháp là ở mọi cấp độ, bạn cần tất cả mọi người hiểu rằng chúng ta đang có một vấn đề', Keiji Fukuda nói. Từ đó, mọi người sẽ có một ý thức và trách nhiệm của chính họ. Phải làm sao để nó trở thành một cam kết.
Chúng ta đang có một nền chăn nuôi công nghiệp phụ thuộc kháng sinh.
Keiji Fukuda muốn chúng ta nhìn lại những gì mà cả thế giới đã làm được với thuốc lá trước đây. 'Bạn có thể phát hành nhiều hướng dẫn. Bạn có thể đưa ra nhiều cảnh báo. Nhưng nếu mọi người không quan tâm, họ sẽ tiếp tục hút thuốc', ông nói.
'Tuy nhiên, những gì mà chúng ta nhìn thấy ngày hôm nay đã là một sự thay đổi lớn. Người ta đã không còn hút thuốc trong nhà. Bạn có thể đi bất cứ quán bar nào trên thế giới và nhìn thấy những kí hiệu cấm hút thuốc. Đó không phải một giải pháp từ trên xuống. Đó là cả một sự thay đổi về văn hóa'.
Tất cả các chính phủ cần thể hiện vai trò rất lớn của họ trong cuộc chiến này nhưng những quy định là chưa đủ. Chính phủ hoàn toàn có thể đặt mức giới hạn cho việc sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp. Thậm chí họ có thể can thiệp để giải quyết các đơn thuốc kê ẩu của bác sĩ.
Nhưng nếu không có một sự thay đổi mang tính cộng đồng để hỗ trợ trên các giải pháp này, chính phủ sẽ đơn độc trên cuộc chiến. Họ cuối cùng chỉ có thể nói rằng mình đã làm hết sức, trong khi kháng kháng sinh tiếp tục phát triển ngày một mạnh hơn.
Đối với vấn đề thuốc lá, chúng ta đã tạo ra được cả một văn hóa 'no smoking'.
Tin tốt là những gì chúng ta mong muốn đã bắt đầu diễn ra. Những chuỗi nhà hàng lớn như McDonald hay Subway và Perdue đã bắt đầu loại bỏ dần việc sử dụng thịt chăn nuôi với kháng sinh.
Cũng giống như vấn đề thuốc lá, chúng ta sẽ cần một sự thay đổi sâu rộng về ý thức của cả xã hội. Rằng kháng kháng sinh không phải là một vấn đề trừu tượng và thời kỳ hậu kháng sinh sẽ còn mãi ở tương lai xa.
Mọi người cần phải hiểu rằng kháng kháng sinh là một mối đe dọa rất thực tế và ảnh hưởng trực tiếp lên sức khỏe của mỗi cá nhân chúng ta. 'Sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian cho điều này', Fukuda nói. Nhưng lần đầu tiên vấn đề kháng kháng sinh được đem ra thảo luận trong cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ là cơ sở cho những sự thay đổi thực sự.
Cập nhật: 21/09/2016
Theo Trí Thức Trẻ