Cùng kiểm tra xem bạn có vướng vào 6 thói quen nguy hiểm khi sử dụng Internet hay không. Nó rất đơn giản thôi, ai cũng nghĩ mình 'biết rồi' nhưng sai lầm thì vẫn cứ mắc phải.
1. Bạn nghĩ rằng 'Tôi không đăng gì quan trọng lên Facebook, các ứng dụng... nên chẳng ai lấy cắp'?
Sai, môi trường kết nối sâu rộng của Intenet có thể giúp những hacker ẩn danh tấn công bất kì người dùng trực tuyến nào. Những thông tin bạn có thể đánh mất như tên, số điện thoại, email, tài khoản đăng nhập hàng loạt ứng dụng, số thẻ tín dụng ảo...
Giả sử bị hacker chiếm tài khoản Facebook, bạn sẽ không thể kết nối với bạn bè. Hacker còn có thể dùng tài khoản của bạn để spam, đăng status sai lệch, thậm chí lừa đảo người dùng khác.
Ngoài ra, các thông tin cơ bản là quá đủ để bạn trở thành đối tượng theo đuổi của vô số quảng cáo 'rác'. Và cả thiết bị truy cập Internet nữa, chúng có thể nhiễm virus bất kì lúc nào nếu bạn không bảo vệ mình đúng và đủ.
2. Bạn tắt tính năng 'Tự động cập nhật hệ thống' trên các thiết bị?
Chuyên gia khuyên rằng bạn nên bật tính năng cập nhật hệ thống và khởi chạy nó ngay khi được thông báo.
Bởi vì, không có phần mềm hay hệ thống nào hoàn hảo 100% cả. Mark Zuckerberg - ông chủ Facebook mới đây cũng nói: 'Bảo mật trên Internet là một cuộc chạy đua vũ trang'. Trong đó, nhóm nghiên cứu - phát triển và nhóm hacker luôn thi nhau tìm ra lỗi hệ thống mới MỖI NGÀY!
Vì vậy, bạn hãy cập nhật hệ thống thường xuyên hơn để vá lại các lỗi mới được phát hiện.
3. Bạn chưa cài phần mềm diệt virus trên các thiết bị?
Nếu thiết bị của bạn, bao gồm máy tính, laptop, smartphone... chưa có phần mềm diệt virus thì cài ngay đi!
Nó không tốn quá nhiều tiền khi so sánh với giá trị các thiết bị đắt đỏ và cả những thông tin quý báu của bạn. Còn nếu bạn nghĩ mình 'chẳng có gì để mất', hãy quay lại và đọc lại điều số 1.
4. Sử dụng mật khẩu quá đơn giản?
Đừng bao giờ đặt '123456' hay lấy số điện thoại, ngày sinh nhật để dùng làm mật khẩu. Mật khẩu tốt là kết hợp cả chữ cái, chữ số; độ dài ở mức tương đối và chỉ 1 mình bạn mới biết mà thôi.
5. Bạn dùng 1 mật khẩu cho tất cả các tài khoản?
Điều đó có thể khiến bạn 'mất 1 lần là mất hết tất cả'! Như vừa rồi, khi Facebook bị hack khiến 90 triệu người dùng phải đăng xuất, sau đó họ còn đối diện với việc mất quyền đăng nhập trên Instagram, Spotify... nữa.
Lí do vì hacker có thể chiếm thông tin đăng nhập của bạn từ 1 nguồn bị rò rỉ, rồi dùng nó để thử đăng nhập các ứng dụng khác.
6. Bạn click và download ngay khi thấy đường link hấp dẫn?
Những tay hacker thường lợi dụng sự tò mò và cả tin của người dùng để gửi vào email hay hộp tin nhắn những đường link rất hấp dẫn dưới nhiều hình thức khác nhau.
Ví dụ như 'Chúc mừng A, bạn vừa trúng thưởng, nhận giải ở link sau', 'Bạn B ơi, bạn có nhận ra mình trong video này không?'.
Những mánh khóe 'câu dẫn' này luôn được cập nhật mới mẻ. Vì vậy, nguyên tắc là nếu bạn không biết, không chắc cú thì đừng bao giờ click vào link.
Hoặc đôi khi, bạn truy cập vào 1 trang web nào đó và được thông báo: 'Máy tính của bạn đã nhiễm virus, hãy tải ngay phần mềm bảo vệ'. Lúc đó đừng tin nhé, nó lừa đấy. Thay vào đó, hãy bật tính năng 'Chế độ an toàn' trên các trình duyệt, chế độ này sẽ cảnh báo khi bạn truy cập vào nguồn độc hại.