Thế nhưng do những hoạt động tiêu cực của con người mà lớp ozone đã bị thủng tới mức mà hồi xưa người ta nghĩ rằng không thể nào hồi phục. May mắn là con người cũng biết dừng lại đúng lúc và cho tới hiện tại, NASA và Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương Mỹ tuyên bố rằng lỗ hổng trên tầng ozone chỉ còn gần 20 triệu km vuông, nhỏ nhất tính từ năm 1988.
Ozone được hình thành từ 3 nguyên tử oxy. Nếu xuất hiện dưới mặt đất, ozone sẽ tạo nên sương mù gây hại. Nhưng nếu được đưa lên cao thì lớp ozone lại được ví như “kính mát”, bảo vệ sự sống bên dưới Trái Đất tránh khỏi những bức xạ độc hại từ Mặt Trời. Tuy nhiên, khi các nguyên tố như clo hoặc brom xuất hiện trong không khí, tồn tại trong các đám mây, một số phản ứng hóa học sẽ xảy ra và hậu quả là các phân tử ozone sẽ bị phá hủy.
Đó chính là lý do tầng ozone đã bị tổn thương nghiêm trọng với một lỗ hổng cực lớn tại Nam Cực. Năm nay, nhiệt độ ở tầng bình lưu tại Nam Cực ấm hơn bình thường và vô tình, kiểu thời tiết bất thường này lại không thuận lợi cho việc hình thành những đám mây phá hủy tần zones như trước đây.
Lỗ hổng tầng ozone được phát hiện lần đầu tại Nam Cực vào năm 1985 và nguyên nhân nhanh chóng được phát hiện là do những hóa chất “kẻ thù của ozone” là chlorofluorocarbons CFC. Vào khoảng thời gian đó, CFC được sử dụng rất rộng rãi do có nhiều ưu điểm hơn so với các hóa chất công nghiệp trước đó. CFC không độc đối với con người, khó bắt lửa và được dùng trong tủ lạnh, máy điều hòa và các sol khí.
Một khi đã nhận thấy những ảnh hưởng đáng sợ từ việc sử dụng CFC, các quốc gia trên thế giới đã cùng ký vào Nghị định thư Montreal nhằm cấm sử dụng CFC cùng các chất gây hại cho tần ozone. Nghị định thư có tác dụng từ năm 1989 nhưng các tác động của việc sử dụng CFC từ trước đó vẫn còn tồn tại. Bởi thế, cho tới hiện tại các nhà khoa học vẫn luôn theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của lớp ozone.
Cho tới hiện tại, tầng ozone đã tiếp tục được hồi phục, dù có chậm hơn, nhưng những thay đổi là tích cực và đáng chú ý. Lần này, lỗ hổng trên tầng zones tại Nam Cực đã được “vá dần” tới kích thước nhỏ nhất tính từ năm 1988. Đây là một tín hiệu cực kỳ đáng mừng, cho thấy những nỗ lực của các quốc gia, các ngành công nghiệp, các nhà khoa học,… trên phạm vi toàn cầu đã phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, không được vội mừng bởi con người vẫn còn nhiều hành động gây tác động xấu tới môi trường, còn rất nhiều thứ mà con người cần phải đối mặt và nếu không tìm được cách xử lý, tương lai của nhân loại chắc chắn bị đe dọa. Dù vậy, sự “vá lành” lỗ hổng ozone đã cho thấy rằng một khi có sự đồng thuận và cùng hành động của các quốc gia thì các vấn đề vẫn sẽ được giải quyết.
Tham khảo WP