Các quan trắc mới nhất của cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết diện tích lỗ thủng tầng ozone tại Nam Cực đã giảm xuống mức nhỏ nhất kể từ năm 1988.
Thông tin từ NASA cho biết lỗ thủng của tầng ozone bảo vệ trái đất đạt mức cao nhất của năm nay vào tháng 9 – rộng khoảng 19,6 triệu km2. Tuy nhiên, lỗ thủng này bắt đầu nhỏ lại từ giữa tháng 9. Lỗ kích thước lớn nhất năm nay rộng hơn hai lần diện tích Hoa Kỳ, nhưng nó nhỏ hơn năm ngoái 1,3 triệu dặm vuông và nhỏ hơn 3,3 triệu dặm vuông so với 2015. Diện tích lớn nhất từng được ghi nhận của lỗ thủng tầng ozone là 29,86 triệu km2 vào năm 2000, Iflscience hôm 4/11 đưa tin.
Diện tích lỗ thủng tầng ozone năm nay chỉ ở mức 19,6 triệu km2 (Ảnh: Iflscience)
Paul Newman, Giám đốc Khoa học Trái Đất thuộc Trung tâm Bay Không gian Goddard của NASA, cho biết các điều kiện bão tố phía trên tầng khí quyển làm nóng không khí và giữ các nguyên tử clo và brom không phá hủy ozone. Tuy nhiên, đây chỉ là một giả thuyết, ông cho biết các nhà khoa học chưa tìm ra lý do tại sao một số năm nhiều bão hơn nhưng lỗ thủng tầng ozone lại nhỏ hơn so với các năm khác.
Một nghi vấn khác trở thành bí ẩn lâu nay là tại sao lỗ thủng chỉ xuất hiện ở các khu vực không có người sinh sống như Nam Cực thay vì các khu vực đông dân cư. Phải chăng Trái đất tự nó có một cơ chế xả thoát những khí độc hại trong khí quyển nhưng không muốn gây tổn hại cho con người? Cũng giống như việc xoay chuyển quanh Mặt Trời – tự nó có một cơ chế như vậy.
Lỗ thủng tầng ozone chỉ xuất hiện ở những nơi hẻo lánh như Nam Cực (Ảnh: The Science Explorer)
Cũng theo chuyên gia này, lỗ thủng tầng ozone thu hẹp trong năm nay chủ yếu mang tính tự nhiên nhưng cũng phần nào cho thấy xu hướng cải thiện dần sau khi một hiệp ước quốc tế năm 1987 cấm các hóa chất gây hại cho tầng ozone. Các nhà nghiên cứu hy vọng lỗ thủng sẽ hồi phục hoàn toàn vào năm 2070.
Ozone là một sự kết hợp không màu của ba nguyên tử oxy. Ở độ cao khoảng 7-25 dặm (11-40 km) từ Trái đất, ozone bảo vệ trái đất khỏi tia cực tím gây ra ung thư da, phá hủy cây trồng và các vấn đề khác.
Các khu vực không có tầng ozone che phủ chịu tác dụng trực tiếp tia cực tím nguy hại từ Mặt Trời (Ảnh: Los Angeles Times)
Ngay sau khi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1985, NASA cùng Cơ quan Hải dương và Khí quyển quốc gia Mỹ đã giám sát và nghiên cứu lỗ thủng tầng ozone với sự trợ giúp của vệ tinh, khí cầu thời tiết và các thiết bị đo đạc chuyên biệt từ mặt đất.
Sau giai đoạn liên tục mở rộng diện tích, những năm gần đây, nhìn chung tầng ozone đang bắt đầu hồi phục do việc loại bỏ các hóa chất được sử dụng trong chất làm lạnh và các bình xịt. Các nhà khoa học ở Liên Hợp Quốc cách đây vài năm xác định rằng nếu không có Hiệp ước năm 1987, thì đến năm 2030, có thể sẽ có thêm 2 triệu ca ung thư da.
Hoài Anh