Sáng nay, 3-11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Chỉ riêng giai đoạn 1 dự án cao tốc Bắc - Nam đã cần tới gần 120.000 tỷ đồng
Theo tờ trình, tổng chiều dài tuyến cao tốc Bắc - Nam khoảng hơn 2.100 km, chạy qua 32 tỉnh thành phố. Quy mô đường từ 4-6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn thì 8 làn xe. Tốc độ từ 80-120km/h.
Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, dự án này sẽ được đầu tư theo 3 giai đoạn. Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp này thì năm 2017-2018 sẽ chuẩn bị các bước đầu tư và ngay trong năm 2019, một số đoạn tuyến của cao tốc Bắc - Nam sẽ được khởi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
Cụ thể, giai đoạn 1 (2017-2020) dự kiến đầu tư khoảng hơn 650 km, chia thành 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh thành, với tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ. Nguồn vốn phải huy động đầu tư gần 64.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 (2021-2025): Chính phủ đề xuất đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang, nâng cấp, đưa vào sử dụng đoạn La Sơn - Túy Loan từ 2 lên 4 làn xe. Giai đoạn 3 sau năm 2025 sẽ đầu tư, khai thác đoạn Cần Thơ - TP. Cà Mau.
Trình bày báo cáo thẩm tra về Tờ trình này của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Kinh tế khẳng định việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam là cần thiết, có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước. Tuyến cao tốc này sẽ kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP HCM, đi qua 32 tỉnh/ thành phố, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc đầu tư 8 dự án thành phần bằng BOT, PPP cần cân nhắc kỹ
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cơ bản tán thành với phương án đầu tư của Chính phủ phân chia Dự án cao tốc Bắc – Nam thành các dự án thành phần, song đề nghị Chính phủ cần thuyết minh chi tiết hơn về căn cứ phân chia các dự án thành phần bởi có dự án chiều dài tới 115 km nhưng có dự án chỉ dài 15 km.
Đặc biệt, về hình thức đầu tư, theo Tờ trình của Chính phủ, có 11 dự án thành phần được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, trong đó có 8 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hợp đồng BOT).
Tuy nhiên, báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy hình thức đầu tư này còn nhiều hạn chế, bất cập. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý đối với những hạn chế, bất cập để có phương án hợp lý khi quyết định áp dụng đầu tư hình thức hợp đồng BOT.
Riêng đối với dự án đoạn Cam Lộ-La Sơn theo quy hoạch trùng với đường Hồ Chí Minh và song song với tuyến Quốc lộ 1 hiện đang được thu giá sử dụng dịch vụ theo hình thức hợp đồng BOT, do đó Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần cân nhắc đưa ra phương án thu giá sử dụng dịch vụ phù hợp để tạo được sự đồng thuận cao.
Duy Tiến (ANTĐ)
Nguồn : http://xehay.vn/gan-120-000-ty-dong-lam-cao-toc-bac-nam-8-du-an-lam-theo-hinh-thuc-bot-ppp.html