Có khoảng 100 kim tự tháp tại Trung Quốc, trong đó có cái cao gấp đôi Đại kim tự tháp Ai Cập. “Sau khi bay quanh một ngọn núi, chúng tôi tiếp cận một thung lũng. Ngay bên dưới là một kim tự tháp khổng lồ”, James Gaussman – một phi công người Mỹ cho biết.
Nằm cách 40 dặm về phía Tây Nam của cố đô Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), có một thung lũng rộng lớn hoang vu, bên ngoài cắm biển “Khu vực cấm vào”. Mấy ai có thể ngờ rằng ngay đằng sau tấm biển hoen rỉ kia, lại ẩn giấu một trong những bí ẩn khảo cổ có thể làm chấn kinh giới học giả.
Bởi lẽ, thũng lũng này là nơi tọa lạc của một quần thể gồm 16 kim tự tháp, trong đó ngọn kim tự tháp lớn nhất (gọi là Đại kim tự tháp Tây An) cao gấp đôi Đại kim tự tháp Ai Cập. Trước sự ngăn cản của chính quyền, giới học giả và khảo cổ phương Tây có rất ít cơ hội tiến vào khu vực nhạy cảm này.
Bên trong thung lũng hoang vu hẻo lánh của Tây An, có đến 16 kim tự tháp bí ẩn. Ảnh: gakkenmu.jp
Tuy nhiên, sau khi nghe được thông tin về Đại kim tự tháp, vẫn có một vài học giả phương Tây, đã cố gắng tìm các cách thức khác nhau để được tiến vào khu vực và tự mình chiêm ngưỡng quần thể công trình đầy bí ẩn này.
Bởi lệnh cấm từ chính quyền, nên không có bất kỳ cuộc khảo cổ chính thức nào được tiến hành, do đó hiện vẫn chưa thể xác định niên đại của quần thể Kim tự tháp Tây An. Tuy nhiên, theo một số nhà khảo cổ, có thể chúng được xây từ ít nhất 5.000 năm trước.
Tài liệu đầu tiên đề cập đến sự tồn tại của các Kim tự tháp ở Tây An là một cuốn cổ thư hiện đang được bảo tồn trong tu viện gần biên giới với Mông Cổ.
Theo ghi chép, Đại kim tự tháp Tây An có chiều cao lên đến hơn 300 mét, cao gấp đôi Đại kim tự tháp Ai Cập (139 m). Nếu điều này là sự thật, đây sẽ là Kim tự tháp cao nhất trên thế giới.
Nếu điều này là sự thật, đây sẽ là Kim tự tháp cao nhất trên thế giới.
Bức ảnh được cho là chụp Đại Kim tự tháp Tây An, được đăng trên tờ New York Times vào năm 1947. Ảnh: New York Times
Trong thung lũng bao quanh Đại kim tự tháp, còn có hàng chục kim tự tháp khác nhỏ hơn, tuy nhiên một số trong đó cũng có quy mô ở mức kinh ngạc.
Những bằng chứng
Vụ chứng kiến Đại Kim tự tháp Tây An đáng chú ý đầu tiên là vào năm 1912. Thương nhân người Mỹ Fred Meyer Schroeder, sau khi được nghe một nhà sư kể về Đại kim tự tháp và tòa tu viện nơi chứa những ghi chép liên quan, đã cùng nhà sư đó tiến vào khu vực này.
Khi xem xét các kim tự tháp, Schroeder không thể tìm được lối vào. Ông cho biết chúng được xây từ những khối đá hình vuông, mỗi khối có cạnh chừng 90 cm.
Vụ chứng kiến đáng chú ý thứ hai là của James Gaussman, một phi công Mỹ đang công tác tại Ấn Độ trong thế chiến II. Hôm đó, Gaussman lái một chiếc máy bay vận tải C-47 mang đồ tiếp tế đến một căn cứ quân sự của Mỹ ở bang Assam, Ấn Độ.
Khi bay qua dãy núi Tần Lĩnh ở Tây An, đột nhiên một thung lũng bằng phẳng trải rộng trước mắt. Sau đó các kim tự tháp, với kích thước thậm chí lớn hơn kim tự tháp Ai Cập, lần lượt hiện ra.
Ảnh chụp vệ tinh các kim tự tháp Tây An. Ảnh: Google Earth
Ảnh chụp vệ tinh các kim tự tháp Tây An. Ảnh: Google Earth
Ảnh chụp vệ tinh cận cảnh một kim tự tháp Tây An. Ảnh: Google Earth
Khung cảnh trước mắt khiến Gaussman bị chấn động mạnh. Ông quyết định bay vòng lại, chiêm ngưỡng các kim tự tháp một lần nữa rồi mới trở về căn cứ.
“Tôi đã bay quanh một ngọn núi trước khi tiến vào một thung lũng. Ngay bên dưới là một kim tự tháp màu trắng khổng lồ. Khung cảnh giống hệt như trong truyện cổ tích vậy. Kim tự tháp được bao phủ trong một màu trắng huyền ảo. Cả bốn mặt đều có màu trắng. Kỳ lạ nhất là khối đá trên đỉnh tháp, một tảng đá chốt vòm lớn, dường như được làm từ đá quý. Tôi rất kinh ngạc trước kích thước đồ sộ của cấu trúc này”.
— James Gaussman
Hai năm sau (1947), Thượng tá Maurice Sheahan, giám đốc khu vực Viễn Đông của hãng hàng không Trans World Airlines, đã bay qua khu vực này. Ông cũng nhìn thấy một kim tự tháp khổng lồ phía bên dưới. Trải nghiệm của Sheahan đã được đăng trên tờ New York Times số ra ngày 28/3, trong bài viết có tựa đề “Phi công Mỹ báo cáo phát hiện thấy kim tự tháp Trung Quốc khổng lồ ở vùng đồi núi biệt lập phía tây nam thành phố Tây An”.
Bức ảnh được cho là chụp Đại Kim tự tháp Tây An, được đăng trên tờ New York Times vào năm 1947. Ảnh: New York Times
Trong báo cáo, Sheahan viết:
“Chỉ có độc nhất một tòa kim tự tháp khổng lồ ngoài đồng vắng. Không có gì xung quanh cả. Tôi có thể mường tượng được sự cổ phác của kim tự tháp này. Ai là tác giả? Mục đích xây nó là gì? Có thứ gì ẩn giấu bên trong?”.
Ba vụ chứng kiến độc lập tại ba thời điểm khác nhau (1912, 1945, 1947), nhưng lại có các miêu tả giống nhau đến kinh ngạc về Đại kim tự tháp Tây An.
Tuy nhiên, giới khảo cổ Trung Quốc cực lực phủ nhận sự tồn tại của các Kim tự tháp Tây An. Một số thừa nhận sự tồn tại của những công trình này nhưng lại khẳng định đó không phải “kim tự tháp” mà chỉ là “những ngôi mộ hình thang”.
Sau đó, chủ đề “các kim tự tháp Trung Quốc” dần chìm vào quên lãng.
Phải mãi đến tận 50 năm sau đó, câu chuyện này mới được lật lại, lần này là bởi một nhà nghiên cứu và thám hiểm người Đức tên là Hartwig Hausdorf. Sau khi biết đến sự tồn tại của các kim tự tháp ở Trung Quốc, Hausdorf đã quyết định đến đây để tìm hiểu thêm về những cấu trúc cổ xưa bí ẩn này.
Được sự giúp đỡ của một người bạn bản xứ tên Chen Jianli, Hausdorf đã xin được giấy phép để thâm nhập vào khu vực cấm gần Tây An ba lần, vào tháng 3 và tháng 10 năm 1994, và một lần nữa vào mùa hè năm 1997. Tuy vậy, “kim tự tháp” vẫn là một chủ đề các nhân viên chính phủ và giới khảo cổ Trung Quốc rất e ngại, không muốn đề cập.
Khi Hausdorf và người bạn đồng hành Peter Krassa đặt chân đến Hàm Dương, tòa thành cổ cách Tây An chừng 40 dặm, họ đã tận mắt trông thấy ít nhất 16 kim tự tháp ở khu vực này.
Ảnh: Internet
Tuy nhiên, hai người cũng khá kinh ngạc khi nhận thấy trên bốn mặt của kim tự tháp có trồng rất nhiều loại cây nhỏ.
Chính quyền cho trồng cây trên các kim tự tháp để “ngụy trang” để che dấu. Ảnh chụp của Hausdorf trong chuyến thám hiểm năm 1994. Ảnh: Hausdorf
Nhóm nghiên cứu có dò hỏi người dân địa phương, và được cho biết trong vòng 4,5 năm trước, chính quyền đã trồng một loại cây lá kim phát triển nhanh trên các mặt của kim tự tháp. Hành động này có thể nhằm “ngụy trang” cho các kim tự tháp, bằng cách khiến chúng lẫn vào môi trường xung quanh.
Ảnh: Internet
Tuy nhiên nhóm của Hausdorf không thể tìm thấy Đại kim tự tháp màu trắng. Dù vậy, chuyến thám hiểm không vô ích bởi ông đã có thêm nhiều hiểu biết về những công trình bí ẩn này.
Hausdorf đã có cuộc gặp gỡ với Giáo sư Wang Shiping, một trong số ít nhà nghiên cứu bản xứ tỏ ra khá “cởi mở” khi đề cập đến chủ đề kim tự tháp. GS Wang ước tính niên đại của những kim tự tháp này vào khoảng 4.500 năm.
Ông nhận định bố cục của chúng có thể tương thích với một chòm sao nào đó trên bầu trời, tương tự như ba kim tự tháp Giza ở Ai Cập được cho là mô phỏng chòm sao Orion (Thợ Săn) và những ngôi sao có liên quan đến chúng.
Ba kim tự tháp chính trên cao nguyên Giza sắp thẳng hàng với các ngôi sao trong chòm sao Orion. Ảnh: Internet
Không chỉ vậy, theo Giáo sư Wang, quần thể kim tự tháp Tây An là bằng chứng rõ nét cho thấy những người xây nên chúng sở hữu vốn kiến thức rộng lớn tinh thâm về hình học, toán học và nhiều bộ môn khoa học khác, từ khoảng 5.000 năm trước.
Kể từ đó, vô số kim tự tháp khác đã được phát hiện ở Trung Quốc, thông qua ảnh chụp vệ tinh. Hausdorf ước tính có đến 100 kim tự tháp ở Trung Quốc, bao gồm Đại Kim tự tháp Trắng huyền thoại. Do chính quyền ngăn trở việc tiến hành các nghiên cứu chính thức, sự tồn tại của chúng vẫn chưa được biết đến nhiều ở phương Tây.
Một số kim tự tháp khác ở Trung Quốc. Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
Vậy ai đã xây dựng nên những công trình vĩ đại, kì bí và mang nhiều nét tương đồng với các nền văn minh cổ đại khác trên thế giới này? Và tại sao giới chức Trung Quốc lại cố gắng che dấu chúng, dù chúng có thể mang đến cho họ rất nhiều niềm tự hào nếu được công khai? Đây có lẽ vẫn là điều bí ẩn.
Quý Khải