Gỗ là vật liệu xây dựng được sử dụng phổ biến trong hàng trăm năm qua trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra, thép và xi măng đã dần thay thế vị trí của chúng. Nhờ công nghệ xử lý phát triển, các kiến trúc sư đã dần chú ý trở lại tới vật liệu sơ khai này, đem lại sự hồi sinh cho gỗ ngay cả với những cao ốc nhiều tầng.
Cao ốc Forte 10 tầng tại Australia được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ.
Năm 2012, tòa chung cư 10 tầng có tên Forte tại Melbourne (Australia) đạt kỷ lục là công trình nhà ở cao nhất thế giới được làm từ gỗ. Chưa đầy 2 năm sau, cao ốc có tên The Treet tại Na Uy đã phá vỡ kỷ lục với độ cao 14 tầng, con số này cũng bị vượt qua bởi công trình Brock Commons tại Canada (18 tầng).
Gỗ ép chéo (CLT) là vật liệu đóng vai trò chính trong trong việc tạo nên những công trình trên mà không phải lo lắng về độ an toàn. Được làm từ những thanh gỗ có mặt cắt 5 x 10 cm đặt và kết nối với nhau bằng keo chống cháy, mỗi lớp được xếp chéo so với lớp còn lại, tạo ra sức bền cho vật liệu không kém gì thép.
Video tòa nhà cao nhất bằng gỗ được xây dựng tại Canada.
Không chỉ có độ chắc chắn, các chuyên gia cho biết vật liệu gỗ ép chéo còn đem lại lợi ích cho môi trường. Theo công bố của Hội đồng Công trình Xanh Mỹ, khoảng 39% lượng khí thải carbon của quốc gia này tới từ việc xây dựng và sử dụng các tòa nhà. Gỗ lại có khối lượng nhẹ hơn thép rất nhiều, điều này khiến chúng dễ dàng được vận chuyển tới công trình và phần móng tòa nhà cũng không cần đào quá sâu. Những yếu tố trên đóng góp lớn trong việc cắt giảm khí thải.
Một ưu điểm khác của xu hướng nhà bằng gỗ là con người luôn cảm thấy thoải mái hơn khi ở trong không gian mộc. Viện nghiên cứu Joanneum (Áo) thực hiện thí nghiệm trên nhóm học sinh theo học tại 2 kiểu lớp học khác nhau: một có sàn, trần và tủ đồ bằng gỗ, và một sàn trải thảm vải, trần thạch cao và tủ ván ép. Kết quả học sinh học trong lớp bằng gỗ cảm thấy thoải mái và có nhịp tim thấp hơn.
Bên cạnh những ưu điểm kể trên, vẫn còn tồn tại những vấn đề cần được cân nhắc. Trong khi gỗ là nguồn tài nguyên có thể tái tạo, việc sử dụng có trách nhiệm là điều cần thiết trong bối cảnh nhiều diện tích rừng bị chặt phá, bên cạnh đó một số quốc gia đang đặt ra những quy chuẩn xây dựng khắt khe đối với vật liệu này.
Hoàng Phương
Theo Đời sống & Pháp lý