Ước muốn điều khiển thời tiết đã có từ rất lâu, khi người nông dân cần mưa cho đồng ruộng đồng hay nước dùng sinh hoạt. Các nhà nghiên cứu tại Mỹ đã nghĩ ra cách bắn chùm tia laser lên mây để tạo mưa hay kích hoạt sấm sét.
Hình ảnh ghi lại sét đánh tòa nhà Willis (Mỹ).
Lý giải cho ý tưởng độc đáo, nhóm khoa học tới từ Đại học Central Florida và Đại học Arizona cho rằng, tia laser có thể kích hoạt các đám mây tích điện và tạo ra sấm chớp theo ý muốn.
Bằng cách sử dụng chùm tia laser thứ 2 bao bọc, đóng vai trò như lớp vỏ giúp năng lượng của chùm tia thứ nhất được tái cung cấp và ngăn sự phát tán nếu đừng riêng rẽ, nhờ đó chúng có thể di chuyển xa hơn rất nhiều mà không bị hao tổn.
Theo Mathew Mills, nghiên cứu sinh tại Trung tâm nghiên cứu và Giáo dục về Quang học Laser (Mỹ), mặc dù có thể đi quãng đường rất xa, những chùm tia laser lại thay đổi tính chất khi đạt đến cường độ nhất định, dẫn đến sự tự sụp đổ. Quá trình này thậm chí còn tách các electron có trong oxy và nitro trong không khí, tạo ra trạng thái plasma.
Kết quả là, trạng thái plasma phản kháng lại chùm laser, gây sự xung đột bên trong, quá trình này gọi là 'sự hình thành sợi', trước khi chùm tia bị phân tán. Do các 'sợi' phát tán phát ra electron bị kích thích, tác nhân này trở thành yếu tố cần thiết giúp mưa và sấm sét diễn ra.
Các nghiên cứu trước đây đã tạo ra được 'sự kiện điện từ' trên cao, làm tăng nguy cơ bị sét đánh khi kích thích mây bằng tia laser. Nhờ phương pháp bao bọc các chùm tia laser, các nhà khoa học có thể tạo ra những nguồn năng lượng lớn hơn, trở thành kích thích tố giúp tạo ra mưa và sấm chớp trên diện rộng.
Công trình nghiên cứu được tài trợ bởi Bộ quốc phòng Mỹ và công bố trên tạp chí Nature Photonics.
Hoàng Phương
Theo Đời sống & Pháp lý