Một nhà khoa học Nga sống sót với nửa mặt không lão hóa sau khi chùm tia bức xạ mạnh gấp 300 lần mức gây tử vong chiếu xuyên đầu.
Chùm tia bức xạ chiếu thẳng từ sau đầu qua cánh mũi của Bugorsky. Ảnh: Twitter.
Một ánh chớp 'sáng hơn Mặt Trời cả nghìn lần' là những gì Anatoliy Bugorsky đã nhìn thấy vào ngày 13/7/1978 khi đầu ông bị một chìm proton 76 GeV rọi xuyên qua đầu. Khi hồi tưởng lại, Bugorsky không có cảm giác đau nhưng ông biết rõ sẽ có những hậu quả lâu dài, theo Russia Beyond.
Nhà vật lý 34 tuổi làm việc tại Viện Vật lý Năng lượng cao (IHEP) ở thị trấn Protvino thuộc Moscow, Nga. Ông vận hành U-70, cỗ máy gia tốc hình tròn (proton synchrotron) giữ kỷ lục thế giới về chùm năng lượng lúc đó.
Nguyên lý synchrotron được sử dụng trong Máy gia tốc hạt Lớn (Large Hadron Collider) của Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) và thiết bị khiến các hạt nguyên tử tăng tốc đến tốc độ rất cao, va chạm trong ống chân không. Sau đó, các hạt sinh ra từ va chạm được nghiên cứu. Vào cuối những năm 1970, Liên bang Xô Viết lên kế hoạch xây dựng máy gia tốc ở Protvino, và U-70 là một phần của hệ thống.
Nhà vật lý học Anatoliy Bugorsky. Ảnh: Wikipedia.
Bộ phận thiết bị mà Bugorsky bảo dưỡng đặt ông vào hướng chiếu của chùm proton phát ra từ máy synchrotron. Ông yêu cầu trung tâm kiểm soát tắt chùm tia trong 5 phút, nhưng ông đến nơi sớm 1 - 2 phút. Cửa phòng thí nghiệm vẫn để mở sau thí nghiệm trước đó và tín hiệu cảnh báo chìm tia đang hoạt động bị trục trắc do một bóng đèn hỏng.
Một Bugorsky bước vào phòng để kiểm tra thiết bị, một chùm tia đường kính 2x3 mm rọi vào sau đầu ông, đốt cháy thành một lỗ nhỏ xuyên qua tai giữa và xương thái dương, và đi ra ở gần lỗ mũi trái. Trong một phần giây, Bugorsky tiếp xúc với lượng bức xạ từ 200.000 đến 300.000 Roentgen, lớn hơn 300 lần so với lượng gây chết người.
Bị lúng túng sau khi tiếp xúc với chớp sáng, Bugorsky hoàn thành công tác bảo dưỡng và ghi chép lại trong nhật ký của ông. Là một nhà vật lý giàu kinh nghiệm, cử nhân Viện vật lý kỹ thuật Moscow, Bugorsky biết tai nạn này rất bất thường. Tuy nhiên, lo ngại về hậu quả do IHEP là một cơ quan tuyệt mật, ông không lập tức trình báo về sự cố mà trở về nhà, khiến tình trạng của ông trở nên tồi tệ hơn. Nửa mặt trái của Bugorsky nhanh chóng sưng phồng, do đó Bugorsky phải báo cáo sự việc vào sáng hôm sau và ngay lập tức ông được đưa tới Moscow.
Bugorsky nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt ở một bệnh viện chuyên ngành, trở thành bệnh nhân đầu tiên tiếp xúc với lượng bức xạ mạnh như vậy. Một trong số các bác sĩ của ông là Angelina Guskova, chuyên gia X-quang hàng đầu ở Nga. Tất cả thông tin liên quan đến việc điều trị và phục hồi của Bugorsky đều được giữ kín, nhưng trường hợp của ông được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Lúc đầu, mọi người cho rằng nhà vật lý không thể vượt qua, nhưng trong vòng 18 tháng, ông quay trở lại làm việc. Bugorsky nói 'niềm đam mê cả đời với các môn thể thao' đã giúp ông bình phục.
'Tôi là một trong những tuyển thủ bóng đá và bóng rổ giỏi nhất ở IHEP, và tôi đạp xe cả vào mùa đông', Bugorsky nói. Ông cũng kể chuyện ông suýt chết ít nhất hai lần. Trong những năm đầu đời, khi phát xít Đức cướp phá ngôi làng của ông ở tỉnh Orel, Bugorsky bị 'giằng khỏi mẹ và ném ra khỏi nhà', nhưng ông không bị chết cứng sau vài giờ đứng trong tuyết. Sau đó, ở tuổi niên thiếu, Bugorsky lên cơn co giật nặng sau khi chạm vào dây điện.
Nhiều năm sau tai nạn, trong một cuộc phỏng vấn, Bugorsky cho biết ông nghĩ bản thân là một chủ đề nghiên cứu tốt, và những gì đã xảy ra là 'một thử nghiệm ngoài ý muốn về ảnh hưởng của proton. Tôi được kiểm tra. Khả năng sinh tồn của con người được kiểm tra', Bugorsky nói.
Bugorsky bị mất hoàn toàn thính lực ở tai trái, và nửa bên trái trên mặt ông bị liệt một phần và không lão hóa một cách kỳ lạ. Ông trải qua vô số cơn tai biến nhẹ và ít nhất sáu lần tai biến nặng.
Hơn năm sau tai nạn, Bugorsky tới bệnh viện hai lần mỗi năm để kiểm tra và nói chuyện với những nạn nhân khác của các thảm họa liên qua tới bức xạ. Tuy nhiên, trí óc của ông không bị ảnh hưởng. Ông có thể hoàn thành chương trình học lấy bằng thạc sĩ mà ông đăng ký trước tai nạn. Sau đó, Bugorsky cưới vợ và có một người con trai.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ tại sao Bugorsky có thể sống sót sau khi tiếp xúc với lượng bức xạ mạnh gấp hàng trăm lần mức gây chết người. Trường hợp của ông rất khó so sánh với các trường hợp tiếp xúc với bức xạ chết người khác. Bugorsky không tiếp xúc toàn bộ cơ thể với chùm tia và thời gian xảy ra tai nạn rất ngắn. Bugorsky cũng không bị rối loạn nhân cách hay gặp bất kỳ dạng mất trí nhớ nào, dù vết thương xuyên qua đầu.