Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới như Netflix, iQiYi sẽ bị chặn và xử phạt nếu không có pháp nhân đại diện tại Việt Nam.
Tại hội nghị ngày 27/2 ở TP HCM, ông Nguyễn Hà Yên, Phó cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết Việt Nam hiện có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình qua Internet (OTT) xuyên biên giới. Trong đó có hai dịch vụ từ Mỹ và ba dịch vụ từ Trung Quốc.
Theo chính sách mới trong Nghị định 71 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, từ 1/1, các đơn vị truyền hình trả phí tại Việt Nam phải có pháp nhân đại diện trong nước, chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.
'Trong trường hợp nhà cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới không có pháp nhân đại diện tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các đơn vị viễn thông để chặn truy cập', ông Hà Yên khẳng định.
Theo đại diện Bộ, việc siết chặt hoạt động quản lý nhằm đảm bảo công bằng trên thị trường dịch vụ truyền hình trả phí với doanh nghiệp trong nước.
'Không phải tự nhiên Việt Nam có sẵn hạ tầng mạng viễn thông để các ông lớn OTT trên thế giới vào khai thác. Một mặt họ cung cấp dịch vụ, mặt khác cũng thu hút lượng lớn quảng cáo nhưng không tuân thủ quy định pháp luật. Như vậy không công bằng với doanh nghiệp OTT trong nước', ông Trần Văn Úy, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPAYTV), nói.
Ông cho rằng dịch vụ OTT nếu không được quản lý sẽ có nguy cơ vi phạm về thuần phong mỹ tục, lối sống và chính trị, pháp luật. Ông dẫn ví dụ nhiều phim không được chiếu qua OTT trong nước do vi phạm kiểm duyệt nhưng vẫn được Netflix phát sóng.
'Cần chế tài quản lý trên cả thiết bị phần cứng và ứng dụng. Nhiều nhà sản xuất TV bán ra tại Việt Nam đã tích hợp sẵn Netflix trong hệ điều hành, chỉ cần một nút bấm trên điều khiển là có thể sử dụng dịch vụ. Về lâu dài, đây là rủi ro tiềm ẩn cho các kênh truyền hình chính thống trong nước', ông Úy nói thêm.
Trong khi đó, theo ông Huỳnh Long Thủy, Tổng giám đốc VieON, trong 5 năm qua, các OTT xuyên biên giới đã thu phí trực tiếp người dùng tại Việt Nam. Họ không ít lần đưa nội dung xuyên tạc lịch sử, xâm phạm chủ quyền nhưng chỉ gỡ khi cơ quan quản lý có ý kiến. 'Còn doanh nghiệp OTT trong nước chỉ cần sơ suất trong khâu kiểm duyệt là bị phạt tức thì', ông nói.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu từ truyền hình OTT tại Việt Nam năm 2022 đạt 1.550 tỷ đồng, tăng 27,2% so với 2017. Số thuê bao OTT đạt 5,5 triệu đơn vị, tăng 26,2% so với cách đây 5 năm. Việt Nam đang có tổng cộng 22 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, trong đó có các dịch vụ xuyên biên giới như Netflix (Mỹ), iFlix (Malaysia), WeTV, iQiYi (Trung Quốc). Tuần trước, theo Reuters, Netflix sẽ sớm mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, dự kiến khai trương vào cuối 2023.