‘Mẹ nhớ con mẹ cứ về thăm con’
Câu chuyện về nghị lực sống của chị Nguyễn Thành Ngân (31 tuổi, Hà Nội), một người mẹ đơn thân không may mắc căn bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho những người mắc bệnh ung thư nói riêng mà còn đối với tất cả các bệnh nhân khác nói chung.
Chị Nguyễn Thành Ngân.
Như bao người khác, ban đầu chị Ngân chỉ thấy đau và khó chịu nên đi khám thế nhưng khi cầm tờ giấy trên tay người chị như đau điếng và chết lặng, chị bị sốc nặng khi biết mình bị ung thư. Chị Ngân cho biết ngoài ung thư cổ tử cung thì chị còn bị mãn tính xương khớp và đau đầu. Tinh thần chị Ngân suy sụp nhưng chị vẫn phải cố để con trai không lo lắng.
Mỗi đêm khi nghĩ đến cậu con trai năm nay mới học lớp 5, trái tim chị như quặn thắt. Chị kể: “Mình về Bắc Giang làm dâu khi sinh con trai được hai tháng thì cũng là lúc chồng quyết tâm sang Đức lập nghiệp. Trước khi đi, anh ấy hứa sẽ đón vợ con sang khi cuộc sống ổn định, nhưng rồi anh ấy lại không giữ lời. Anh ấy có nhân tình mới, có cuộc sống mới bên đó nên mình buộc phải mạnh mẽ để nuôi con”.
Kể từ khi biết mình bị bệnh, chị Ngân chia sẻ, chị cảm thấy khó khăn nhất mỗi khi đối diện với con trai. Nhưng rồi chị cũng quyết định phải cho con biết sự thật, chị nhớ lại: “Trong một đêm hai mẹ con nói chuyện thì lúc đó con có khóc, nước mắt rơi ra nhưng dùng tay để quệt luôn. Mình thì khóc lên khóc xuống, còn con tỏ ra bản lĩnh hơn mình, nên càng thương hơn”.
Sau khi biết mẹ mắc bệnh, cậu con trai của chị Ngân tỏ ra ngoan hơn so với ngày thường và cũng thường xuyên an ủi mẹ hơn. “Hôm nào trời nắng quá thì con bóp tay, bóp chân cho mình, rồi bóp đầu và lấy nước, lấy thuốc cho mình uống”, chị Ngân kể.
Nghe lời động viên ngây thơ của con trai: “Mẹ thả lỏng người ra, đừng có nghĩ gì cả rồi ngày mai nó sẽ hết”, chị cảm thấy mình có thêm sức mạnh để cố gắng sống tiếp vì con.
Chị kể, trong một lần trò chuyện, chị hỏi con trai: “Con trai mẹ có sợ ma không, nếu con ma đó là mẹ của con?”. Câu bé khi đó lau nước mắt khẳng định: “Con không sợ ma mẹ, mẹ nhớ con mẹ cứ về thăm con nhé' rồi ôm lấy mẹ òa khóc nức nở. Chị bảo, “khoảnh khắc đó thật khó khăn vô cùng, tim mình như đau thắt lại. Con đã thiếu sự che chở của bố, giờ đến mẹ cũng không biết ở bên được bao lâu…”.
Vì đau ốm, chị Ngân gửi con ở nhà ông bà nội và chỉ được gặp con 1, 2 lần trong tháng. Mong mỏi lớn nhất của chị làm làm sao để mình khỏe mạnh hơn, kiếm tiền để mua căn nhà nhỏ đón con về ở cùng.
Hành trình chữa bệnh chông gai
Trò chuyện với PV, chị Nguyễn Thành Ngân cho biết, vào tháng 5/2015 chị phát hiện mình bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 2. “Các bác sỹ ở bệnh viện C đã giải thích cho mình hiểu rằng, tia xạ sẽ giúp giảm thể tích khối u, chuẩn bị cho phẫu thuật lấy triệt để khối u, giảm nguy cơ tái phát, di căn của ung thư vào các bộ phận lân cận.
Nghe theo lời khuyên của bác sỹ, mình đến bệnh viện K1 để xạ trị. Phác đồ điều trị của mình là xạ ngoài 15 mũi. Sau đó mình đi nguồn hay còn gọi là áp sát liều cao. Sau xạ trị, mình trở về nhà nghỉ ngơi 3 tuần và trở lại bệnh Viện C để mổ phẫu thuật cổ tử cung.
Phẫu thuật sau 6 tháng thì mình bị biến chứng đại tràng, tác dụng phụ của nguồn hay áp sát trị xạ liều cao. Trải qua 2 đợt truyền kháng sinh tấn công với liều cao nhưng không có kết quả, mình vẫn đau bụng và ra huyết.
Bác sỹ cho mình đi nội soi và sinh thiết đại tràng. Bác sỹ nghi ngờ đại tràng của mình có khối u, sợ bị di căn K cổ tử cung sang đại tràng. Lúc đó, chân tay mình bủn rủn, không còn sức sống, mình sút 7kg, chỉ còn 43kg, huyết áp tụt 90/50. Cũng có bác sỹ đánh giá, đại tràng của mình là do biến chứng của nguồn.
Và kết quả là mình bị viêm loét đại tràng biến chứng của trị xạ áp sát liều cao. Bác sỹ hội chẩn mình phải bỏ một đoạn đại tràng, nối lại, đưa hậu môn ra bên sườn. Kết quả quá khủng khiếp khiến mình sợ hãi, hoang mang.
Sau khi lấy lại tinh thần, mình dành hết thời gian và tâm sức, lao vào tìm hiểu ngay những tài liệu nói về ung thư trước khi lựa chọn cách điều trị. Mình nhận ra rằng, không thể phó mặc hoàn toàn cho các bác sĩ. Tinh thần, nghị lực, lối sống của mình là điều quan trọng nhất.
Do đó, mình đã tìm đến một phòng khám ở Hà Nội và sử dụng liệu pháp miễn dịch để điều trị, khắc phục biến chứng đại tràng do hóa xạ trị gây ra và ngăn ngừa ung thư tái phát.
Chia sẻ thêm về quá trình điều trị bệnh, chị cho biết mình không dùng thuốc kháng sinh mà dùng thuốc đông y nhưng cho đến thời điểm hiện tại chị thấy sức khỏe của chị khỏe tốt hơn rất nhiều. “Hiện tại mình có thể làm việc từ 7h sáng đến 12h đêm thậm chí 2h sáng hôm sau vẫn đi làm được bình thường và không thấy mệt mỏi”, chị nói.
Theo chị Nguyễn Thành Ngân, ung thư có 4 phương pháp điều trị: Trị xạ, hóa trị, phẫu thuật và cuối cùng là liệu pháp miễn dịch.
Hóa trị xạ là để tiêu diệt tế bào ung thư nhưng làm suy nhược cơ thể. Biến chứng của hóa trị xạ là vô cùng khủng khiếp. Còn trường hợp của mình là biến chứng của trị xạ trong khi điều trị K cổ tử cung.
Còn liệu pháp miễn dịch là nâng thể trạng của bệnh nhân lên và thay đổi môi trường sinh sống của tế bào ung thư. Tế bào ung thư không có môi trường thuận lợi để sống và phát triển thì sẽ yếu dần đi, đồng thời nâng được hệ miễn dịch của mình lên.
'Đúng 3 tuần sau khắc phục được biến chứng của đại tràng, đến bây giờ mình đã trở về trạng thái ban đầu được 49,5kg, da dẻ của mình đã sáng sủa hơn ngày xưa rất nhiều'.
Theo Vietnamnet