Mới đây, ngày 4/8, TP Cần Thơ đã xét xử một vụ ly hôn hiếm thấy trong nhiều năm làm nghề. Theo ông thẩm phán dân sự TAND TP Cần Thơ, sau 12 năm chung sống với nhau, đến cuối năm 2015, nhận thấy tình cảm của mình với vợ không còn nên người chồng quyết định làm đơn xin ly hôn.
Chồng nhất quyết đòi ly dị nhưng chị vợ một mực không đồng ý ký vào đơn. Bởi theo chị, mâu thuẫn giữa 2 vợ chồng không quá lớn, chồng chị khi thành đạt, có của ăn của để thì thường xuyên phải đi tiếp khách, công tác xa nhà… từ đó nảy sinh những mối nghi ngờ không chung thủy khiến chị cảm thấy ghen tuông. Theo chị vợ, trong 12 năm chung sống, hai người luôn yêu thương, tôn trọng lẫn nhau.
Bên ngoài TAND TP Cần Thơ trong một phiên xét xử
Sau nhiều lần được cấp sơ thẩm tiến hành hòa giải, anh chồng vẫn giữ nguyên quan điểm, mặc cho người vợ khóc lóc van xin cho cơ hội hàn gắn tình cảm gia đình. Nhận thấy, tình cảm giữa 2 người không thể hàn gắn nên cấp sơ thẩm đã đồng ý đơn xin ly hôn của người chồng theo luật đã định. Tuy nhiên, người vợ đã không đồng ý mà nộp đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm.
Chị vợ còn nói rằng, chồng mình yêu cầu chị đồng ý ly hôn thì sẽ được cho một căn biệt thự trị giá 4 tỷ đồng. ‘Tôi không cần tài sản đó. Tài sản lớn nhất là gia đình tôi đang có…Tôi biết tôi xử sự chưa khéo làm anh tự ái nhưng tôi vẫn yêu chồng, sẵn sàng bỏ qua hết mọi chuyện để đoàn tụ gia đình’, chị vợ nói trong nước mắt.
Tuy nhiên, người chồng vẫn một mực đòi ly hôn. Trước tình cảnh này, người vợ nói sẽ tìm đến cái chết nếu tòa án chấp nhận đơn ly hôn. Gặp tình huống khó xử này, ông Hùng đã chấp nhận bác đơn ly hôn của người chồng để 2 người có thêm cơ hội hàn gắn tình cảm. Kết thúc phiên tòa, người vợ đã rất cảm kích tấm lòng của người thẩm phán, cúi gập người 3 lần để tạ ơn HĐXX.
Chồng đòi lại tiền đám cưới vì vợ đòi ly hôn
Cuối tháng 3/2016, TAND tỉnh Tiền Giang tiến hành xét xử phúc thẩm vụ ly hôn của cặp vợ chồng Phạm Văn Thành – Trương Thị Phương, người chồng đã nhất quyết đòi vợ đền bù một khoản tiền hết sức vô lý.
Theo đó, lấy nhau được khoảng nửa năm, anh Thành mê nhậu và thẳng tay đánh đập, đe dọa chị Phương, lấy đi từng đồng của vợ để nhậu nhẹt, bài bạc.
Không chịu nổi bản tính của chồng, chị Phương đã quyết tâm nộp đơn ly hôn ra TAND huyện Gò Công Đông. Sau nhiều lần hòa giải, anh Thành tỏ ra hối hận nhưng chị Phương vẫn kiên quyết từ chối với lý do đã nhiều lần cho chồng cơ hội sửa sai nhưng chỉ được vài ba hôm thì mọi chuyện lại đâu vào đấy.
TAND tỉnh Tiền Giang, nơi diễn ra phiên xử phúc thẩm vụ án tranh chấp tài sản của vợ chồng anh Thành
Không lay chuyển được tình cảm của vợ, anh Thành yêu cầu: ‘Nếu ly hôn, vợ tôi phải trả lại cho tôi hơn 30 triệu đồng tiền cưới và 2 chỉ vàng để sửa nhà, đồng thời số tiền lãi của khoản tiền này phải được theo tính theo lãi ngân hàng trong suốt 9 năm qua’. Chủ tọa phiên tòa hỏi: ‘Anh có giấy tờ gì chứng minh số tiền đó không?’. Anh Thành lí nhí trả lời: ‘Là vợ chồng nên khi đưa tiền cho vợ, tôi không ghi lại’.
Về số tiền anh Thành yêu cầu chị Phương hoàn trả, tòa nhận định, nhà gái đã bỏ ra các khoản để chi phí tổ chức đám hỏi. Vì vậy, số tiền nhà trai bỏ ra hỗ trợ xem như nhà gái đã chi phí hết cho hôn lễ nên việc anh Thành đòi lại tiền là không có căn cứ nên tòa quyết định hủy yêu cầu của anh Thành.
Rút đơn ly hôn vì quan tòa ‘gạ để lại vợ’
Tại phiên tòa mở tại quận 6, TP HCM năm 2015, anh N.V.T. tố vợ nhiều lần ‘ngoại tình’ và bị anh bắt gặp. Hôm thì chị có ánh nhìn lả lướt với một người ngoài công viên. Lúc thì hớn hở nhìn một thanh niên chạy xe máy đi qua nhà. Có hôm đang rửa bát, nhặt rau thấy mấy nam thanh niên đi ngang qua là ngoái ra để nhìn bằng được. Vào quán ăn với anh, thấy mấy nam phục vụ là tíu tít nói chuyện, mặc chồng ngồi bên cạnh. Đi ăn với những người đồng nghiệp trong công ty cũng thế, chị cứ vô tư, thoải mái
cười nói, không giữ ý tứ.
Tòa cố gợi để hòa giải rằng anh hiểu sai về chị, nếu vì những chuyện không có cơ sở mà ly hôn thì không đáng vì cả hai còn yêu nhau, đều có trách nhiệm với gia đình.
Nước mắt lưng tròng, chị kể hơn sáu năm yêu anh, chị bị gia đình phản đối vì không tương xứng về học thức. Cha mẹ, anh chị tuyên bố từ mặt nhưng chị vẫn bỏ mặc để yêu và được ở bên anh.
Ảnh minh họa
Hội đồng xét xử hỏi: ‘Phải khó khăn lắm anh mới được gia đình vợ chấp nhận là con rể, chẳng lẽ giờ anh lại ly hôn dễ thế sao?’. Anh nói: ‘Vì cô ấy tôi đã phấn đấu rất nhiều nhưng tôi không thể sống trong gia đình mà mình cứ bị áp lực về tâm lý’.
Thấy người chồng căng thẳng, ông hội thẩm nhân dân T. gọi anh lên phân tích cho anh hiểu. Sau đó, ông nhìn chị rồi ghé vào tai anh nói nhỏ: ‘Nếu anh ly hôn thì để cô ấy lại cho tôi’. Đi xuống khán phòng, anh ngồi im, hết nhìn vợ rồi nhìn về phía vị hội thẩm. Một lúc sau, anh đứng dậy xin tòa cho rút đơn. Tòa đồng ý để anh chị hòa hợp.
Vợ chồng giành nhau cả gói bột giặt khi ly hôn
Sau gần 3 năm phiên tòa kỳ lạ và hy hữu phân xử chuyện ly hôn của đôi vợ chồng Nguyễn Văn Thuận (SN 1966, quê gốc tại An Nhơn, Bình Định) và Y Đỉnh (SN 1969, người Banar trú tại xã Canh Liên, Vân Canh, Bình Định) đã xong, nhưng người dân vẫn còn buồn cười khi nhắc đến vụ việc này.
Gặp chúng tôi, ông Thuận không khỏi buồn bã và bức xúc kể lại câu chuyện của gia đình mình. Ông cũng không quên gọi người vợ một thời đầu ấp tay gối của mình là ‘đồ quỷ già khó tính’ với thái độ hằn học. Lý do ông gọi thế là bởi vì khi ra tòa, vợ ông vẫn quyết tâm chia đôi gói bột giặt và bó củi trong xó bếp.
Ông Thuận kể lại câu chuyện
Ông Thuận đã có một đời vợ, người vợ cũ sinh cho ông ba người con thì chẳng may đoản mệnh mất sớm. Còn bà Đỉnh là phụ nữ góa bụa có 2 con. Cùng chung nỗi buồn cô độc nên hai người họ đến với nhau.
Những tưởng cả hai từng bất hạnh trong tình duyên thì sẽ biết trân trọng yêu thương nhau, nhưng lấy nhau rồi mới phát sinh những mâu thuẫn và họ phát hiện ra họ không hợp nhau.
Phiên tòa đồng ý cho đôi vợ chồng rổ rá cạp lại này ly hôn, tuy nhiên, cuộc chia tay này gặp khúc mắc trong phân chia tài sản, khi tòa đi kê biên tài sản để thi hành án thì phát hiện trong bếp còn 1 bó củi và túi bột giặt. Cái này đương sự không kê khai trong phần tài sản chung nên tòa hỏi giải quyết ra sao. Người vợ đề nghị ‘chia đôi’ luôn với thái độ hết sức bất cần.
Thấy vợ đã đoạn tuyệt như vậy, ông Thuận cũng chậc lưỡi đồng ý mà không một mảy may suy nghĩ. Cán bộ tòa án thì méo mặt, nói những thứ nhỏ như con tép thế này việc gì phải phân chia cho mất công, thế nhưng ông Thuận cứ nhất định phải chia. Cuối cùng, nhân viên tòa án đành vác bó củi trên gác bếp chia ra làm hai, sẻ đôi túi bột giặt, giao mỗi người một nửa và ghi vào biên bản thi hành án.
TH