Sau khi đã xong xuôi (gần như) với công việc ở ngoài này, mình mới bắt đầu đi cảm nhận Hà Nội ngày vào Thu cùng với người bạn đồng hành là Realme 2. Cái sự hối hả trong những hình ảnh trên các tờ báo lớn về việc Hà Nội kẹt xe như thế nào, người người luồn lách trên vỉa hè ra sao mình không được cảm nhận, lạ thật!
Và ngồi sau xe, em mình mới bảo: Do anh may đấy, đi vào tầm 8 rưỡi thì người ta vào sở hết rồi, đường Hà Nội lúc này mới thông thoáng và bình yên như vậy.
Thế nên chỉ mất tầm gần 5 phút, từ nhà mình đã có mặt để tiến vào lăng Bác. Lúc vào lăng thì không được quay phim chụp ảnh nên sau khi viếng Bác xong, mình mới di chuyển ra trước lăng để lưu lại tấm ảnh kỉ niệm.
Do đây là khu vực đặc biệt nên mình không thể tiến lại gần lăng hơn nữa. Do đó mình đi vòng ra sau lăng, dùng chế độ chụp thu phóng 2x để thấy hình ảnh lăng Bác rõ hơn nữa.
Sau khi thăm lăng Bác xong mình rảo bước sang ao cá ở khu Phủ Chủ Tịch. Nơi đây Bác Hồ đã từng làm việc và sinh sống một thời gian. Cái tiết trời vào thu se lạnh hòa cùng với mặt hồ yên ả cùng các tán cây khẽ xào xạc tạo cho mình cảm giác yên bình, muốn sống chậm đến lạ.
Ngay kế bên ao cá là nhà sàn cũng là nơi Bác hay ngồi làm việc tại đây. Mặc dù là ngày thường nhưng vẫn có rất đông khách tham quan. Mình cũng sải bước theo đoàn khách để tham quan khu nhà này.
Trong khu Phủ Chủ Tịch đa phần các ngôi nhà ở đây đều được sơn tông vàng như trong ảnh. Và giờ khi nhìn lại ảnh chụp toà nhà nơi Bác làm việc mình thấy realme 2 bắt ảnh chi tiết thật. Từng đường nét cũng như màu sơn được tái hiện đúng như những gì vốn có. Chẳng lệch đi chút nào.
Thú thật từ bé chỉ được biết Chùa Một Cột thông qua các bài văn học cũng như các bài lịch sử và khi ra tới đây, mình cũng chẳng biết Chùa Một Cột nó nằm ở nơi nào. Nhưng thú vị là nó lại nằm ngay trong khuôn viên của lăng Bác.
Theo Sử sách thì Chùa Một Cột được vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào năm 1049. Nên ngôi chùa này sở hữu một nét cổ xưa mà rất ít di tích ở Sài Gòn có được. Những đường nét trạm trổ sau ngần ấy năm tháng gió mưa gần như vẫn còn vẹn nguyên.
Do cũng học kém lịch sử nên theo Wikipedia thì:Chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028-1054) và theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ. Vào năm 1049, nhà Vua đã mơ thấy được Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên toà.
Khi tỉnh dậy, nhà vua kể chuyện đó lại với bày tôi và được nhà sư Thiền Tuệ khuyên dựng chùa, dựng cột đá như trong chiêm bao, làm toà sen của Phật bà Quan Âm đặt trên cột như đã thấy trong mộng và cho các nhà sư đi vòng quanh tụng kinh cầu kéo dài sự phù hộ.
Tạm biệt Chùa Một Cột cùng lăng Bác, mình dạo bước sang một con hẻm nhỏ để tìm đồ ăn sáng. Và lúc này mới thấy cái hay của người Hà Nội, con hẻm nhỏ như vầy, chỉ đủ để 2 xe máy lách qua nhau nhưng họ vẫn có thể bày bán được 2 dãy bàn.
Gọi tô bún dọc mùng giá 25 ngàn. Mình nghĩ rằng chắc chỉ có vài miếng thịt mỏng là cùng. Nhưng không, bún thì nhiều, thịt đầy ắp và nước thì thanh. Làm mình muốn ra đây ở luôn vì đồ ăn rẻ hơn hẳn Sài Gòn.
Mình cứ ngỡ rằng ngay giữa lòng Thủ Đô thì với nhịp sống vội vã thì hàng xóm chẳng ai biết được ai. Và một lần nữa mình lại sai. Lúc đang ăn thì có ông cụ dắt xe vào ngõ và hỏi bác chủ quán rằng: Cô biết thằng T. trong xóm này không? Cô bán hàng đáp nhẹ: Có bác ơi, nhà nó gần cuối hẻm, phía tay trái nhé.
Xong bữa sáng, mình bắt xe đến với Nhà thờ Lớn Hà Nội. Đây chính là một trong những địa điểm thu hút rất nhiều khách tham quan nói chung và người Công Giáo nói riêng. Nét cổ kính cùng kiến trúc đậm chất Châu Âu được thể hiện rất rõ ở ngay mặt tiền của nhà Thờ. Từ đó tăng thêm sự cổ xưa cho Hà Nội.
Wikipedia cho hay: Lúc đầu Nhà thờ này có tên là Nhà thờ Thánh Giuse (Saint Joseph). Nhà thờ Lớn được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu, rất thịnh hành trong thế kỷ 12 và thời Phục Hưng ở châu Âu.
Thăm Nhà thờ lớn xong thì cũng đã gần đầu giờ chiều nên mình về nghỉ ngơi một chút rồi lại nhanh chân tìm đến Hồ Gươm để ngắm hoàng hôn. Hôm đó vì là đầu Thu nên gió cũng không rít mạnh. Nhờ vậy mà mặt hồ khá yên ả, chỉ hơi gợn sóng, tạo nên một khung cảnh trữ tình.
Với khung cảnh hoàng hôn đẹp như vậy. Rất nhiều cặp đôi đã đến đây chụp ảnh để lưu lại những kỉ niệm đáng nhớ của thời thanh xuân.
Đã đến Hồ Gươm thì phải đi qua cầu Thê Húc để vào đền Ngọc Sơn. Và đây là cánh cổng để đi qua cầu.
Trên cầu lúc đó khá đông và đa phần là khách du lịch đến để chụp ảnh. Tuy đông nhưng mọi người vẫn nhường nhau để đợi đến lượt chụp, chẳng ai giành ai.
Ở quanh bờ hồ có khá nhiều bác lớn tuổi chạy xe xích lô du lịch để đi dạo một vòng hồ và thăm thú phố cổ. Nếu bạn muốn cảm nhận thật chậm những cơn gió lướt nhẹ qua mặt, cũng như ngắm nhìn cuộc sống của người dân phố cổ về chiều thì xích lô là phương tiện di chuyển lí tưởng. Giá tiền cũng không quá đắt, tầm từ 100 đến 150 ngàn cho 1 giờ.
Phố cổ về chiều lúc này đang dần giảm đi sự sôi động vì mọi người đang tranh thủ di chuyển nhanh về nhà. Lối đi cũng thông thoáng hơn để mình có thể chụp ảnh thoải mái.
Trên các con đường của phố cổ Hà Nội, không khó để bắt gặp các cô chú bán hàng trên những gánh hàng rong hay những chiếc xe đạp cũ. Mỗi người bán một món khác nhau đã góp phần tạo nên các con đường với nhiều tông màu sắc sặc sỡ, nhờ vậy mà phố cổ trông bớt buồn hơn khi bầu trời cứ âm u cả ngày.
Các ngôi nhà của phố cổ đa phần chỉ được thuê lại ở tầng dưới để buôn bán, còn chủ nhà vẫn sinh sống ở các tầng trên. Và theo quy định thì bạn phải giữ nguyên tình trạng bên ngoài của các ngôi nhà trong khu phố cổ, chỉ được trùng thu phần bên trong mà thôi.
Khu này đất chật người đông, vì vậy ngoài những căn nhà chỉ có vỏn vẹn dưới 15 mét vuông thì cũng có vài khu chung cư cũng như khu tập thể để người dân có thêm diện tích sinh sống.
Lúc chụp tấm ảnh này mình rất ngạc nhiên vì những tưởng đó là tàu lửa mô hình để tăng thêm sự độc đáo cho phố cổ Hà Nội. Nhưng không, đó là tảu hỏa thật đấy các bạn ạ. Do đang gặp sự cố nên tàu dừng lại đôi chút thôi.
Rảo bước một hồi mình cũng đến được chợ Đồng Xuân, một địa điểm nổi tiếng không kém gì chợ Bến Thành. Nhưng trong chợ này không có gì đặc sắc vì đa phần người dân trong chợ buôn bán quần áo và đồ thời trang.
Lúc này muốn tìm các món ăn vặt thì bạn phải đi qua bên hông của chợ. Thịt nướng, bánh mì,... được bày bán rất nhiều. Giá cũng phải chăng và ăn rất hợp vị.
Chợ chiều lúc này người bán cũng đã thấm mệt, chỉ nhanh mau hết hàng đặng còn về với gia đình. Vì vậy giá thành trái cây cũng rẻ đi, mình đã tranh thủ để mua được vài trái xoài để về ăn cùng với muối tôm, ngon phết!
Mình quyết định ở lại phố cổ chơi đến đêm để xem nơi đây có gì sôi động. Và đến 6 giờ thì trời đã tối sầm. Lúc này người bán cũng đã bắt đầu dọn dẹp hàng hóa của mình để nhường chỗ cho khu chợ đêm.
Tối đến ở phố cổ thì làm gì? Đi ra phố Tạ Hiện chứ còn gì nữa. Con đường này y hệt như khu Phố Tây trong Sài Gòn. Nhưng mình thấy nó bình dân và chật chội hơi khu Phố Tây nhiều.
Chưa đến 7 giờ nhưng Tạ Hiện đã đông đúc. Những lời mời chào liên tục được rao. Muốn kiếm bàn trống để ngồi cho thoải mái tí cũng khó, phải ngồi chen vào nhau để mà thưởng thức bia.
Khu Tạ Hiện này bia khá đắt, tầm từ 40 ngàn 1 chai. Nếu bạn đi qua khu bên cạnh cách tầm 50 mét thôi, lúc này giá bia sẽ rẻ đi nhiều, bàn ghế cũng ngồi thoải mái hơn.
Nếu không thích bia đắt tiền, bạn hoàn toàn có thể đi ra uống bia hơi ngon không kém (mình thấy bia hơi ngon hơn, dễ uống hơn) với giá chỉ từ 5 ngàn đồng 1 cốc và thưởng thức live acoustic.
Các band nhạc cuối tuần tập trung ở phố cổ khá đông, từ ngoài bờ hồ đi vào tới các con phố đều thấy được nhiều band nhạc bán chuyên hoặc nghiệp dư. Bạn có thể thỏa thích hát cùng để thỏa mãn đam mê mà không sợ bị tính phí.
Bên cạnh nhịp sống hiện đại, người dân phố cổ vẫn giữ gìn những nét đẹp văn hóa xưa. Các nhóm hát chèo, hát bội vẫn hoạt động mạnh mẽ và thu hút được nhiều người xem.
Bên cạnh sự sôi động, phố cổ vẫn có những nốt trầm với những cụ già vẫn phải vất vả mưu sinh đến mức mệt quá phải thiếp đi đôi chút.
Hay hát dạo để mang niềm vui đến cho mọi người. Bác nghệ sĩ này dường như chẳng mấy màng tới số tiền được gửi vào thùng. Bác cứ say mê hát như để thỏa niềm đam mê của mình. Khi được người đi đường gửi tiền. Bác nghệ sĩ luôn dành tặng những lời chúc tốt đẹp đến họ.
Và trong 1 ngày dạo chơi thì mình thấy câu nói 'Hà Nội không vội được đâu' quá đúng. Vì nếu vội thì bạn sẽ mất đi rất nhiều điều để cảm nhận về nơi này. Từ những nét đẹp cổ xưa cho đến bát bún trọn vị, hay những cốc bia mát lạnh cùng nhiều hoạt động sôi nổi được diễn ra tại nơi này.
Nói thêm về camera của realme 2 thì sau 1 ngày chụp trong nhiều điều kiện mình khá hài lòng, đánh giá là 7/10 do chụp đêm nếu bạn để máy tự lấy nét thì máy sẽ lấy lâu, chụp ảnh sẽ bệt. Vì vậy chúng ta nên lấy nét bằng tay và giữ yên tay khi chụp thì ảnh sẽ đẹp hơn.
Còn khi chụp ngược sáng, HDR cân tự động nhiều lúc cũng chưa tốt. Nhưng không sao, bạn hãy lấy sáng vào điểm sáng nhất, sau đó kéo sáng xuống thì sẽ có ngay những tấm ảnh 'so deep' liền. Khi chụp đủ sáng thì không cần bàn, giơ lên và chụp thôi nhé.
Nguồn : http://www.thegioididong.com/tin-tuc/cung-realme-2-trai-nghiem-mua-thu-ha-noi-binh-yen-den-la-1125908