Sau khi trở về sau hành trình 1 tháng Xuyên Việt thì lễ 2/9 này 2 mẹ con lại tiếp tục lên đường, lần này thì để cho thay đổi không khí, 2 mẹ con đi cùng với các thành viên khác trong gia đình và bạn bè nữa, tổng cộng là 5 người, 3 xe; đồng thời hành trình lần này sẽ không còn là ở Việt Nam nữa (lễ ở VN mà đi du lịch thì chỉ có hít khói mà ngộp thở thôi!, mà là sang bên nước láng giềng Campuchia để khám phá một địa danh nổi tiếng mà mọi người đã biết khi đi du lịch tour Campuchia, hay nếu chưa có dịp đi qua thì chắc chắn đã nghe nói qua, kỳ quan thế giới cổ đại - Angkor Wat, là hình ảnh trên quốc kỳ của Campuchia đó.
Chàng trai 9X chở mẹ đi Phượt Campuchia khiến dân mạng thích thú.
Đi du lịch bằng xe máy qua nước bạn Campuchia hay Lào là một trào lưu đang hot của các tín đồ du lịch hiện nay. Nhiều bạn băn khoăn không biết phải làm sao để đem xe máy qua cửa khẩu, thủ tục ra sao, có cần xin giấy tờ hay đóng tiền gì không? rồi cảnh sát bên kia có làm khó làm dễ mình khi biết mình là người Việt không? ở khách sạn/nhà nghỉ ra sao, tiền tệ dùng như thế nào, đổi sim như thế nào giao tiếp với họ ra sao? ở bển chạy xe máy có an toàn ko? Vân vân và mây mây… Mình sẽ cung cấp một số thông tin cũng như giải đáp các thắc mắc của các bạn trong phần sau của bài review nàySau lần đi xuyên Việt thì mẹ mình vẫn khỏe, và mẹ cũng rất hào hứng để đi CPC chung với tụi mình lần này, trước giờ mẹ chỉ biết người ta đi CPC để đi đánh bài ở Casino à. Ngày trước mình có người thân ở Phnom Penh, mẹ cũng có nghe nói nhiều về CPC, nên mẹ cũng muốn đi xem Phnom Penh ra sao. Mẹ đã hoàn thành chuyến đi Campuchia này một cách thuận lợi mà không gặp trở ngài nào <3. Mình hy vọng sẽ cùng mẹ thực hiện thêm nhiều chuyến đi khác nữa <3.
Một số thông tin cần thiết về Campuchia cũng như đem/chạy xe máy qua/ở CPC:
- Campuchia là đất nước của người Khmer, thủ đô là Phnom Penh, địa hình chủ yếu là đồng bằng châu thổ, bồi đắp bởi phù sa của sông Mekong và Biển hồ Tonle Sap. Nên đường sá ở Campuchia rất bằng phẳng, rất dễ đi, đường đèo núi chỉ có ở một số vùng như vùng cao nguyên Bokor.
- CPC có diện tích bằng khoảng 55% diện tích của VN, dân số hơn 18 triệu người so với 95 triệu của VN, nên có thể nhận thấy là đường phố ở đây sẽ không đông đúc như ở VN, cũng như số lượng xe cộ chạy trên quốc lộ, nên việc di du lịch bằng xe máy ở CPC sẽ dễ dàng hơn ở VN, cộng thêm vấn đề tốc độ mình có đề cập dưới đây.
- Một đặc điểm nổi bật là người dân tham gia giao thông ở CPC rất “lịch sự” và “kiên nhẫn”, hầu như không bao giờ sử dụng còi để xin đường, thường thì xe hơi/tải/khách sẽ đợi mình chạy nép vào lane trong họ mới vượt hoặc họ sẽ vượt khi lane bên đối diện thoáng xe (đối với đường 4 làn không dải phân cách), không giống như xe ở bên VN mình.
Lúc đi cửa khẩu Mộc Bài (bên CPC là CK Bavet): bạn chạy xe tới đậu xe ở ngoài chỗ xuất cảnh, rồi đem theo hộ chiếu/passport để làm thủ tục xuất cảnh, balo thì có thể để ngoài xe, khi nào hải quan yêu cầu kiểm balo thì đem vào cho qua máy quét, lúc mình đi thì không cần, nhớ cầm theo tiền (VND và USD) để sử dụng nếu có bị làm khó. Bạn xếp hàng vào hàng khách đi lẻ, đợi đến lượt mình thì đưa passport để xuất cảnh, sau khi qua xuất cảnh xong thì bạn nhớ ra nói với anh cảnh sát hải quan là “tụi em mới đóng dấu xuất cảnh xong, bây giờ tụi em dắt xe qua nha anh”, rồi quay lại chỗ để xe, dắt xe qua, nhớ là dắt xe qua nha, không được chạy qua, coi chừng bị vịn =)). Nếu mọi chuyện êm xiu thì bên CK VN sẽ không cần chi tiền. ở đây có cửa hàng miễn thuế, chủ yếu bán rượu, cà phê, đồ uống… Bạn nào thích có thể mua ở đây.
• Dắt tới mọi đoạn thấy người dân họ bắt đầu chạy từ mình cũng chạy xe theo, tại khoảng cách giữa CK xuất cảnh VN vời nhập cảnh CPC cách nhau cỡ 200m, dắt xe sẽ mệt. tới bên CPC, thì mình đậu xe dọc các bốt nhập cảnh ở đây, sẽ có nhân viên hải quan đề nghị viết dùm mình tờ khai thông tin nhập cảnh, cứ cho mấy ảnh viết, sẽ dễ dàng hơn nhiều, sau đó chi cần đưa 30k VND/ người, và đi qua chỗ cái bốt, đưa hết passport vào, đợi 1 chút là xong, bên này đóng dấu cực nhanh, không cần nhìn mặt luôn, lấy lại passport rồi lên xe đi khám phá CPC thôi!
Sau khi nhập cảnh CPC thì sim VN sẽ hết hiệu lực, bạn cứ chạy theo đường chính (QL1 của CPC), chạy khoảng 1km, nhìn bên tay trái sẽ thấy một cửa hàng Metfone to thật to, vào đó, kêu họ bán sim Metfone (là hãng viễn thông của Viettel hợp tác với CPC). Sau khi gắn sim vào điện thoại thì trước hết bạn cần kích hoạt sim bằng cách gọi 1770, sau khi nghe bạn nữ nói gì đó thì bấm số 1, là sim được kích hoạt xong. Nếu chỉ mua sim không thôi thì sẽ chưa sử dụng được 4G, nên bạn cần kêu họ bán thẻ cào để nạp tiền, họ sẽ hỏi mình (bằng tiếng Việt/Anh đều được) ở bao lâu, mình ở cỡ 1 tuần nên nạp 2USD (bên này khuyến mãi nạp 1USD sẽ thành 150USD, tha hồ mà xài ^^). Sau đó chị nhân viên đăng ký gói 4G dùng trong 15 ngày cho tụi mình, thế là có thể online suốt ngày, khắp nơi, gọi về nhà thả ga luôn.
Để nạp tiền: bấm *197*mã số thẻ
Để kiểm tra tài khoản: *097#
Để gọi về VN: “0084” hay “+84” + bỏ số 0 đầu của số VN
Ví dụ để gọi cho số 0908776655 thì bấm 0084908776655 hay +84908776655.
Vậy là xong các điều kiện cần thiết để đi vi vu rồi ^^.
• CK Xa mát lúc về (bên CPC là CK Trapeang Phlong): cửa khẩu này bên CPC là cửa khẩu rất nhỏ, chỉ có 2 cái chốt nhỏ, bên CK thì cần đưa tiền nha, 50k/1 người, 50k/ 1 xe, bên mình đi 5 người 3 xe là hết 400k rồi, huhu, xuất cảnh xong rồi thì chạy xe qua bên CK VN thôi, tương tự như CK Mộc Bài, đậu xe và vào đóng dấu nhập cảnh, tuy nhiên ở bên này thì sẽ có thể được yêu cầu kiểm tra hành lý.
Chỗ ở: Khách sạn nhà nghỉ ở bên này theo mình thấy là giá cao hơn VN, một phòng 2 người thì giá thường cỡ 13-15 USD, nên bạn cần đặt trước khách sạn/nhà nghỉ qua app như Booking, Tripadvisor (ở CPC chủ yếu dung cái này), Agoda… sẽ có giá tốt hơn là đặt trực tiếp qua khách sạn. Nhân viên khách sạn/nhà nghỉ ở đây rất hiếu khách, thân thiện, nếu cần thêm thông tin hay giúp đỡ thì bạn hoàn toàn có thể nhờ họ được.
- Để đề phòng trường hợp khẩn cấp như hết 4g, sóng 4g yếu ở miền quê, rừng núi, bạn nên tải app bản đồ offline như Map me hay Here map để có thể sử dụng bản đồ mà không cần mạng, tránh lạc đường.
- Giao tiếp: ở vùng quê thì bạn có thể nói tiếng Việt, người dân vẫn hiểu mình cần gì, tốt hơn thì bạn nên học sẵn một số từ tiếng CPC thông dụng như:
• Số đếm từ 1 đến 10: Muôi, Pi, Pây, Buôn, Pơ răm,….
• Cám ơn: Ô kun
• Tình tiền: Cớt lui
Ngoài ra bạn hoàn toàn có thể dùng tiếng Anh để giao tiếp, đa số người dân ở đây có thể giao tiếp được bằng tiếng Anh, một số trong họ còn nói rất lưu loát ^^.
Tiền bạc: Ở CPC thì có thể dùng 2 loại tiền tệ là: Riel CPC (đọc là Ria) và đô la Mỹ (USD), bạn nên đổi trước khi đi (tiệm vàng chẳng hạn) nên đổi các mệnh giá tiền nhỏ để dễ sử dụng (1,2,5,10 USD, vì có một số cửa hang hay quán ăn sẽ không đủ tiền thối cho bạn), nếu quên thì bạn có thể đổ ngay ở cửa khẩu, sẽ có cò mời bạn đổi tiền, đương nhiên là với giá cao hơn (1 000 000 VND đổi 165 000 Riel),ở gần biên giới và một số chợ hay khu dân cư nhiều người Việt thì mình có thể sử dụng cả tiền Việt (VND).
• 1 Riel CPC = 5 hay 5.2 VND.
• 1 USD = 4000 hay 4200 Riel.
Ở miền quê thì họ dùng Riel là chính, ở thành phố thì chủ yếu là dùng USD, tiền lẻ thì có thể dùng Riel.
- Một nhắc nhở quan trọng là bạn nên giữ passport thật kĩ nhé, có thể cho 1 người kỹ tính giữ chung hết, để đề phòng để quên hay làm rớt. Bạn cần passport để nhận phòng và hoàn toàn có thể được yêu cầu kiểm tra passport bất cứ lúc nào, trên đường đi, cửa khẩu hay những lúc bất ngờ khác. Mất passport là một đại họa, bạn cần liên lạc lạnh sự quán hay đại sứ quán VN ở CPC để giải quyết.
- Mua đồ: đi ăn hay đi mua đồ thì nên kiếm những quán hay tiệm có treo sẵn giá mà mua, nếu không muốn bị chém. Còn nếu vào chợ mua đồ mà ko treo giá thì nhớ trả giá mạnh vào, trả cỡ 50% là có thể đúng giá, thường là họ sẽ kì kèo bớt một thêm hai (đô la), sau đó thì mình hãy bỏ đi, họ có thể sẽ kêu bạn lại đó. =))
- Đường xá xe cộ: Một đặc điểm không thể bỏ qua ở đây, là xe tuk tuk, ở đây không có taxi, mà chính xe tuk tuk đã thay thế cho taxi, ngoài ra còn có xe lam dùng app gọi xe như Grab. Xe máy ở CPC rất là bá đạo, xe máy có thể chở hàng như xe tải, tất nhiên là không phải chở trực tiếp, mà là chất hàng lên một cái thùng/giỏ hàng rồi móc vào phía sau xe, vậy là có thể chở cả gia tài, mọi người có đi CPC thì nhớ để ý nó nhé, rất là độc đáo, ngoài ra còn chở cả heo nái =)).
- Một đặc điểm nữa là giới hạn tốc độ ghi ở biển báo là 80km/h trên Quốc lộ, mà theo mình thấy dường các xe hơi, tải, khách và một số xe máy toàn chạy >80km/h, mình nghĩ là 1 số xe máy chạy cỡ 100km/h, xe hơi/tải/khách thì >100km/h, có những đoàn Motor phân khối lớn chạy nhanh bằng xe hơi luôn, mình nghĩ là ở đây họ chạy tốc độ tự do, muốn chạy bao nhiêu thì chạy, không giới hạn =)). Còn tụi mình thỉ chủ yếu chạy từ 60-80km/h.
- Xăng: ở đây cũng có nhiều cây xăng trên các quốc lộ nên không cần lo lắng, tuy nhiên có điều khác ở đây là xăng dầu bên CPC do các công ty tư nhân bán, nên giá cả có thể khác nhau, ở đây có thêm xăng RON 97, bên cạnh xăng 95, 92, giá xăng 97 thường từ 4000-4200 Riel/lit, tức là khoảng 1 USD/lít, các xăng kia thì giá rẻ hơn.
- Cảnh sát giao thông: đây là thông tin không thể thiếu, cảnh sát giao thông ở CPC mặc áo màu đen, có chữ POLICE, có thể khoác thêm áo khoác màu xanh da trời, mình chỉ thấy cảnh sát giao thông ở đây làm nhiệm nhiệm vụ phân luồng giao thông và kiểm tra hàng hóa, vận tải hành khách đối với xe tải/ xe khách trên quốc lộ.
Ở đây khá nhiều người dân không đội mũ bảo hiểm nhưng cũng không có cảnh sát nào phạt họ, càng không thấy cảnh sát lập chốt để bắn tốc độ hay kiểm tra giấy tờ. Trong suốt hành trình 5 ngày của mình, mình chỉ thấy cảnh sát điều khiển giao thông ở các thành phố lớn như Phnom Penh và Siemreap, thấy cảnh sát kiểm tra hàng hóa 1 lần trên đường tới Sieamreap, và không thấy chiếc xe máy nào bị phạt, nên các bạn có qua đây thì hãy yên tâm mà vi vu, nhớ đừng vi phạm quá lộ liễu và cảnh giác, bảo vệ an toàn cho mình là được.
Nếu lỡ xui có gặp cảnh sát bắt giao thông bắt phải thì giá là 10USD/xe nhé, chỉ cần đưa tiền là ok.
Một số thông tin về chuyến đi:
- Thời điểm: lễ 2/9 2018.
- Thời gian cụ thể 31/08-03/09/2018, 05 ngày 04 đêm, 1 đêm ở Phnom Penh, 2 ở Siemreap, 1 ở Kampong Cham.
- Thời tiết: thuận lợi, trời nắng, ít mây, thỉnh thoảng có mưa vào ngày đầu và ngày cuối.
- Phương tiện: Exciter 150, Winner 150, Air Blade 125
- Tổng hành trình: 1060 km
- Tổng chi phí cho cả 5 người: 16 000 000 VND (khoảng 700 USD)
- Những địa điểm nổi bật: cầu Neak Loung, Phnompenh, Siemreap, Angkor Wat, cầu rồng cổ Preah Tis Bridge, Kampong Cham.
- Cửa khẩu đi: Mộc Bài, về Xa Mát.
Nghỉ đêm:
• Nhà nghỉ RS Guesthouse ở Phnom Penh, team mình ở phòng dorm 3 giường tầng, có phòng tắm riêng, với giá 31$/ đêm = 721k VND.
• Nhà Nghỉ Happy Guesthouse ở Siemreap, mình ở 3 phòng 2-2-1, giá phòng đôi là 14$/đêm, phòng đơn 13$.
• Nhà nghỉ Tmorda Guesthouse ở Kampong Cham, mình ở phòng 2 giường mà ở 5 người, giá 25$/đêm.
Ăn uống: chủ yếu là ăn quán dọc đường + ăn ở nhà nghỉ: ở đây có nhiều đồ ăn lắm, thường chi ra 2 loại là món ăn truyền thống Campuchia với các món như hủ tíu nam vang, Amok (bò,gà,cá..,), bò lok lak kiểu CPC, các món phổ thông như com chiên, mì xào… và các món ăn kiểu Tây như bánh mì, hamberger, thịt xông khói… bên này chỉ bán bánh mì Baguette Pháp chứ không có bán bánh mì ổ như ở VN, trừ 1 số quán người Việt.
- Sự cố trên đường đi: Không có sự cố gì đáng kể,
- Sự cố xe cộ: chỉ có cái dè bánh sau của Winner bị nứt, dùng băng keo và dây buộc lại..
Chuẩn bị:
- Passport/hộ chiếu còn hạn trên 6 tháng, xe máy chính chủ (nếu không chính chủ cũng được, sẽ phiền nếu cần trình giấy tờ, cẩn thận thì hơn). Nếu bạn chưa có passport thì bạn có thể đi làm Passport ở cục xuất nhập cảnh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Nhắc lại lần nữa là luôn để ý kiểm tra đến passport trong suốt chuyến đi.
- Lên lịch trình và chuẩn bị trong vòng 1 tuần
- Xe cộ: Sau khi đi xuyên Việt về thì xe mình đã phải thay đổi sửa chữa nhiều. thay vỏ xe trước vỏ xe sau, thay nhông sên dĩa, mình đã thay sên/xích của Fz150 cho Ex, chạy êm hơn hẳn, thay dầu nhớt, kiểm tra các hệ thống phanh thắng. kiểm tra nước giảm nhiệt, làm mát, gắn thêm baga sau để buộc balo.
Còn các xe kia thì cũng được bảo trì thường xuyên
- Mình dùng camera hành trình SJCAM M20, thẻ nhớ 128GB.
- Găng tay, áo khoác, áo mưa, giày, dép, chai bôi trơn sên xích.
- Quần áo: mình đem 2 cái quần jean, 5 áo thun để thay, mẹ thì mặc quần vải thun, áo thun.
- Ngoài ra còn có khăn giấy ướt, khăn giấy khô, singum, bánh ngọt…
Lịch trình cụ thể: 5 ngày.
- Ngày 1: Sài Gòn (TPHCM) – Mộ
c Bài – Cầu Neak Loung – Phnom Penh: 240km Sáng nắng chiều mưa, cầu Neak Luong xây xong năm 2015, là cây cầu huyết mạch nối liền tuyến đường xuyên Á giữa CPC và VN, 2 bên đường có các khoảng ruộng rộng bị ngập đến tận mái nhà, bây giờ đang mùa mưa. Đến tối thì đi chợ đêm CPC ăn lẩu hải sản và xiên que.
Ngày 2: Phnom Penh – Siemreap: 320km
Nắng đẹp cả ngày, do lần này tụi mình chủ yếu là đi Angkor Wat nên sáng ngày 2 tụi mình đã di chuyển lên Siemreap mà không có ghé Hoàng cung Phnom Penh và các địa điểm khác.Trên đường đi Siemreap, 2 bên đường có phong cảnh rất đẹp, những cánh đồng lúa đang chín trải dài khắp tầm mắt đến tận chân trời, nhìn thật đã mắt, có những cây thốt nốt đứng thành hàng thành đám như tô điểm thêm cho bức tránh đó.
Ngày 3: Angkor Wat: nắng đẹp cả ngày, sáng ăn sáng ở nhà nghỉ xong, tụi mình bắt xe tuk tuk đi thăm Angkor Wat, xe tuk tuk có thể chở ối đa 6 người lớn, giá cho cả ngày tham quan là 18 USD, xe tuk tuk chạy chậm, nhưng gió thổi mát lắm.
• Angkor Wat, quần thể đền đài được xây dựng từ 1 ngàn năm trước, đền chính tên là Angkor Wat, là một khối có đáy hình vuông với 5 ngọn tháp, với rất nhiều các họa tiết đặc sắc được khắc trên các bức tường, bao quanh bởi các tường có tháp canh và hào nước, ngoài ra còn có Angkor Thom và các đền khác như Ta Prohm, Ta Keo… (các bạn có thể kiếm thêm thông tin trên mạng).
• Ở đây họ bán 3 loại vé: 1 ngày – 37 USD, 3 ngày – 62 USD và 7 ngày – 72USD, ở đây họ sẽ chụp hình mình vào trên vé luôn để nhận dạng. điểm bán vé và khu soát vé cách xa nhau và cách xa khu đền chính.
• AKW là một quần thể di tích rộng lớn, tham qua chủ yếu bằng đi bộ nên cần nhiều ngày để đi hết. vì giới hạn thời gian nên mình chỉ mua vé 1 ngày để quan Angkor Wat và Angkor Thom. Để đi bộ hết Angkor Wat thì theo mình thì cũng cần cả buổi, mất từ 3-4 tiếng, chụp hình tập thể giá 5USD cho 2 tấm, 7USD cho 3 tấm (nhớ trả giá), đi lên tháp cao Bakan nhìn xuống lấy view rất đẹp. Sau xong AKW thì mình qua khu Angkor Thom, thăm khu đền Bayon cổ kính với các hình khuôn mặt người huyền bí.
• Ở đây chỉ mở cửa đến 17h30 nên anh tài xế tuk tuk của tụi mình đã chở mình về mà chưa kịp ghé Ta Prohm với các cây cổ thụ mịc xen lẫn vào các đền đài.
• Buổi tối thì tụi mình đi Pub street Sieamreap, phố Tây Sieamreap, giống như Bùi Viện, nhưng ở đây rộng hơn và kết hợp luôn cả chợ đêm, rất nhộn nhịp với các quán ăn, quán uống, siêu thị, Bar, Pub, Beer Club, Massage… đủ thứ dịch vụ bạn có thể tìm thấy ở đây. Tụi mình đã ăn các món đặc sản CPC ở đây, ở đây có quán ăn ở đối diện chợ đêm ăn ngon tuyệt, tụi mình ăn Amok, bò Lok Lak, Gỏi cua, Tôm bằm nấu cà tím, ăn xong đi bộ về nhà nghỉ cách đó 1km và ngủ thật ngon
Ngày 4: Siem reap – cầu rồng cổ Preah Tis Bridge – Kampong Cham: (270km) Nghe đồn ở Kampong Cham có bán các loại côn trùng như nhện, bò cạp chiên nên tụi mình đi qua Kampong Cham, trên đường ghé qua cầu rồng cổ, được xây dựng cùng thời với Angkor, buổi chiều thì tới Kampong Cham, tụi mình ở nhà nghỉ có view cầu Kizuna rất đẹp, thế nhưng đến tối ra tới chợ mới biết là ở đây không có bán côn trùng, và điểm bán côn trùng là ở thị trấn Skun cũng thuộc tỉnh Kampong Cham mà tụi mình đã đi ngang qua hồi chiều, thật là thất vọng mà!
Theo như chú bán bò kho (chú nói tiếng Anh rất giỏi!) thì nhện chiên rất bổ, có tác dụng trị đau lưng, tăng cân tăng cơ (thích hợp cho các bạn tập Gym nè), tăng cường sự dẻo dai, cường dương
=)) Nên các bạn muốn ăn nhện chiên béo bở thì hãy đến đúng trị trấn Skun để ăn nhé, để vừa có nhiều lựa chọn vừa có giá cả hợp lý.
Ngày 5: Kampong Cham – Xa Mát (80km) – Sài Gòn: (200km): Sáng mưa – Trưa tạnh – chiều mưa, trời mưa vào buổi sáng đến 10h, trời tạnh mưa và tụi mình xuất phát lúc 11h, bỏ qua các điểm tham quan như hải đăng Pháp bên bờ sông Mekong, cầu tre dài nhất thế giới bắc qua Koh Pen… đến Xa Mát lúc gần 2h, qua cửa khẩu thì chạy thêm 40km thì tới tp Tây Ninh thì mây đen nặng nề che kín đầy trời, ăn bánh xèo bánh khọt xong gần 5h chiều thì trời mưa lớn, trời chập tối nên rất khó chạy, do mưa lớn nên Quốc lộ 22 có vài đoạn bị ngập, về đến nhà lúc 8h thì trời vẫn còn mưa, thật là một trải nghiệm thật khó tả.
Ảnh: Đạt Châu