Thị trường vận tải hàng không Việt Nam vừa ghi nhận một thành viên nữa gia nhập - Bamboo Airways - hứa hẹn những kịch tính có lợi cho người tiêu dùng. Trong khi đó, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đang sửa đổi quy định về kinh doanh vận tải hàng không theo hướng nới lỏng hơn.
Bộ Giao thông - Vận tải đang tính toán cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng không
Nhiều cái khó bó doanh nghiệp
Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết vừa phát đi thông tin, Hãng hàng không Bamboo Airways sẽ chính thức cất cánh vào tháng 10 tới đây, sau khi đã hoàn tất những quy định mà một thời gian dài còn vướng mắc. Thời gian qua, không chỉ Bamboo Airways mà một số hãng hàng không định gia nhập thị trường vận tải hàng không cũng gặp khó khăn, và đến nay vẫn chưa thể bay như Vietstar Airlines. Theo các chuyên gia, việc một số hãng hàng không khó khăn khi tham gia thị trường hàng không cũng phần nào tước đi cơ hội đi máy bay với chi phí bình dân của người tiêu dùng, giảm bớt tính cạnh tranh.
Theo quy định hiện tại, doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường hàng không trước hết phải đáp ứng các điều kiện quy định. Ngoài ra, doanh nghiệp đó sẽ phải chờ cơ quan chức năng cấp giấy phép bay. Đáng nói, giấy phép bay này lại phụ thuộc vào quy hoạch hạ tầng hàng không và đây mới chính là khó khăn trói chân doanh nghiệp muốn nhảy vào lĩnh vực này.
Điển hình vướng mắc hiện nay là Hãng hàng không Vietstar Airlines, dù đã đệ đơn xin cấp phép bay từ khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng. Đại diện Hãng Vietstar Airlines cho rằng, dù hồ sơ được Cục Hàng không Việt Nam đánh giá đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành, bao gồm những điều kiện tối cần thiết như văn bản xác nhận vốn, thỏa thuận về việc thuê tàu bay, bản sao các văn bằng chứng chỉ chuyên môn của người phụ trách, nhưng Vietstar Airlines vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của Chính phủ để có thể tiến hành khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên.
Trong văn bản trả lời Bộ GTVT vào tháng 4-2017 về việc cấp giấy phép kinh doanh hàng không cho Vietstar Airlines, Văn phòng Chính phủ cho biết, do lấy Tân Sơn Nhất là sân bay căn cứ, nên việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của doanh nghiệp này chỉ được xem xét sau khi đã hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, theo thông tin mà phóng viên có được, Bộ GTVT bắt đầu soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 92/2016/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh hàng không, mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
Cắt giảm nhiều điều kiện
Cụ thể, tại Dự thảo này, Bộ GTVT đề xuất bỏ khoản 1, Điều 5, Nghị định 92: “Điều kiện kinh doanh vận tải hàng không”. Theo đó, việc phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không sẽ được hủy bỏ, đồng nghĩa với việc để lấy được giấy phép kinh doanh vận tải hàng không, các nhà đầu tư chỉ cần đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đồng ý cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện về tổ chức bộ máy và nhân lực; năng lực sản xuất; tài chính; phương án kinh doanh và điều kiện về trụ sở, địa điểm kinh doanh chính tại Việt Nam; đồng thời sửa đổi thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính “Cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, kinh doanh hàng không chung” để phù hợp với điều kiện kinh doanh.
Không chỉ vậy, mới đây, Hội đồng Tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng vừa có thư gửi Thủ tướng về đề xuất mở cửa bầu trời, tự do hóa vận tải hàng không và phát triển hạ tầng sân bay Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch nội địa, quốc tế.
Một trong những điểm đáng chú ý là đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng bỏ thủ tục xin phê duyệt chủ trương đầu tư đối với hãng hàng không. Chỉ áp dụng thủ tục duy nhất xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam nhằm “tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa, quốc tế cho các doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện quy định hiện hành”.
Một đề xuất khác được Hội đồng Tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nhấn mạnh là việc sửa Nghị định 92 quy định các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không, đặc biệt là các quy định liên quan đến mức vốn tối thiểu để duy trì hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh hàng không thương mại và hàng không chung, cũng như các thủ tục hành chính hiện hành về việc thành lập và duy trì hoạt động của các hãng hàng không.
Trước đây, doanh nghiệp muốn tham gia vận tải hàng không chỉ cần theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, cụ thể là tuân theo các bước được nêu rõ trong Nghị định 92 quy định trình tự, thủ tục cấp giấy phép cho các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không mà hiện giờ, họ phải theo cả 2 Luật Đầu tư và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Thậm chí, trong văn bản góp ý cho Dự án Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), Bộ Tài chính cũng khẳng định khi: “Các thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không theo Luật Đầu tư năm 2014 và cấp phép kinh doanh vận tải hàng không theo Luật Hàng không dân dụng năm 2006 đều thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hai quy trình trên có nhiều nội dung trùng lắp”.
Nhà đầu tư ngoại được mở cửa?
Một điểm được giới chuyên gia đánh giá cao tại Dự thảo Nghị định 92 của Bộ GTVT là Bộ này đã công bố cắt giảm điều kiện phải có “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà ngành kinh doanh chính là vận chuyển hàng không; phương án bảo đảm có tàu bay khai thác trong 5 năm kể từ ngày dự kiến bắt đầu kinh doanh” bởi theo Bộ GTVT, các điều kiện này về bản chất là thành phần hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính và các nội dung thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp, nên để cho doanh nghiệp tự quyết định.
Liên quan đến các điều kiện về tài chính, cụ thể là quy định mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không, được biết theo quy định hiện hành, doanh nghiệp khai thác đến 10 tàu bay phải có vốn tối thiểu 700 tỷ đồng nếu có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế và 300 tỷ đồng nếu chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa. Số vốn tương ứng với doanh nghiệp khai thác từ 11 - 30 tàu bay là 1.000 tỷ đồng và 600 tỷ đồng.
Nếu khai thác trên 30 tàu bay, doanh nghiệp sẽ phải có vốn tối thiểu 1.300 tỷ đồng nếu khai thác vận chuyển hàng không quốc tế và 700 tỷ đồng nếu chỉ khai thác nội địa. Bộ GTVT cho biết sẽ nghiên cứu bỏ quy định này trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, trước mắt sẽ sửa đổi Nghị định 92 theo hướng không phân định giữa vận chuyển quốc tế và quốc nội theo ý kiến của Hiệp hội Vận tải hàng không.
Một điểm sáng nữa tại Dự thảo Nghị định 92 là Bộ GTVT cũng mở theo hướng nới cho các nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường vận tải hàng không. Theo đó, tại khoản 3, Điều 8 (điều kiện về vốn) tại Dự thảo, Bộ GTVT quy định, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện: bên nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ; phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất. Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài giữ phần vốn điều lệ lớn nhất thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân đó.
Trong khi đó, tại khoản 3, Điều 8, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện: bên nước ngoài chiếm không quá 30% vốn điều lệ; phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất. Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.
Các hãng hàng không cũng chỉ phải thực hiện đăng ký với Cục Hàng không Việt Nam trong thời hạn 30 ngày nếu như thay đổi cổ đông chiếm giữ từ 5% vốn điều lệ trở lên. “Thay đổi này là nhằm phù hợp với tình hình thực tế của hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp chủ động thực hiện hoạt động đầu tư của mình”, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Ngân Tuyền (ANTĐ)
Nguồn : http://xehay.vn/kinh-doanh-hang-khong-cho-doi-kich-tinh-co-loi-cho-hanh-khach.html