Đáng buồn, sự việc trên không phải là hi hữu. Giữa tháng 3 vừa qua, Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) đã đình chỉ lái, phụ xe buýt do có hành vi đánh nhau với lái xe tải. Vụ xô xát xảy ra tại nút giao thông cầu Đền Lừ, Hà Nội, khi xe buýt mang BKS 29B 190.24 đang dừng chờ đèn tín hiệu giao thông đã bị một chiếc xe tải mang BKS 99B 008.55 từ phía sau lách lên va chạm, dẫn tới xe buýt bị vỡ gương chiếu hậu bên lái.
Tuy vậy, lái xe tải không dừng lại để xem xét sự việc mà tiếp tục di chuyển. Do đó, lái, phụ xe buýt đã đuổi theo ngăn lại. Sau một hồi tranh cãi hai bên đã dẫn tới to tiếng, xô xát. Lái, phụ xe buýt đã đánh người đàn ông điều khiển xe tải. Sau sự việc trên, lái xe tải đã đồng ý bồi thường, còn Xí nghiệp xe buýt Thăng Long đã tạm đình chỉ công tác đối với lái, phụ xe để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của đơn vị, quy chế của Tổng Công ty.
Sau va chạm giao thông, điều quan trọng nhất là hai bên cần giữ được bình tĩnh
Trước đó, tại đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, một chiếc xe khách chở hàng chục hành khách từ Vũng Tàu về sân bay Tân Sơn Nhất đã va chạm với 1 xe chở gas. Mặc dù vụ va chạm không gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng 2 lái xe vẫn dừng xe giữa đường cãi vã rồi rút cây sắt trên xe đuổi đánh nhau và đập phá phương tiện. Sự việc khiến hàng chục người trên xe khách và người đi đường một phen hoảng loạn, gây ùn tắc giao thông tại khu vực.
Trên đây chỉ là một số vụ việc ẩu đả xảy ra trong thời gian gần đây xuất phát từ nguyên nhân va chạm giao thông. Thực tế cho thấy, không ít vụ án mạng đã diễn ra cũng từ lý do này, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. “Vì lý do rất nhỏ nhặt, thay vì nhường nhịn bỏ qua cho nhau hoặc nhờ lực lượng chức năng giải quyết thì nhiều người lại lao vào “choảng” nhau”– Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú nhận định.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Tiến sỹ Tâm lý Hoàng cẩm Tú cho rằng, con người ngày nay chịu sức ép rất lớn về thời gian, công việc, khi đi ra đường luôn vội vã. Khi xảy ra va chạm giao thông, họ dễ bị căng thẳng áp lực, sợ phải bồi thường, sợ mất thời gian nên thường thiếu kiềm chế, không làm chủ được cảm xúc, hành vi của mình. Họ sẵn sàng “bùng nổ” gây hấn, mắng chửi, thậm chí “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với người va quệt vào mình mà chưa cần biết nguyên nhân do đâu. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt về kỹ năng sống, về văn hóa ứng xử, không tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông cũng là lý do dẫn đến tình trạng này.
Va chạm xe khi đang lưu thông trên đường có thể xảy ra với bất kỳ ai. Dù cố ý hay vô tình vi phạm luật giao thông nhưng để xảy ra tai nạn là điều không một ai mong muốn. Tuy nhiên, thái độ và cách ứng xử của người trong cuộc ngay sau tai nạn mới là điều quan trọng. Đáng buồn là ngày càng có nhiều vụ trọng án xuất phát từ va chạm giao thông, trong đó người gây án không chỉ là những thanh niên hư hỏng, các đối tượng côn đồ, hung hãn mà ngay cả những người dân bình thường, thậm chí là có học thức, có địa vị trong xã hội.
Nhằm hạn chế những hậu quả đáng tiếc xảy ra do va chạm giao thông, mỗi cá nhân khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường cần tìm hiểu về văn hoá ứng xử, biết kiềm chế cơn nóng giận nhất thời và nghiêm túc tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông.
' Khi xảy ra va chạm, không nên mắng chửi, trút giận lên người đối diện mà cần giữ bình tĩnh, ghi nhận tất cả bằng chứng có lợi cho mình, liên hệ với CSGT ở điểm gần nhất. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ và những cá nhân chỉ vì va chạm giao thông mà hành hung, đánh đập người khác để đảm bảo tính răn đe” – Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú đề xuất.
Huệ Linh (ANTĐ)
Nguồn : http://xehay.vn/au-da-sau-va-cham-giao-thong-ca-gian-se-mat-khon.html