Nghiên cứu nói trên được tiến hành trên lượng dữ liệu lớn thu thập từ các cư dân đang sống tại Anh được biết đến với tên gọi The UK Biobank Study với hơn 500.000 người đăng ký tham gia bắt đầu từ năm 2006 tới 2015. Trong số đó, nhà khoa học lựa chọn ra 400.000 tình nguyện viên trong các độ tuổi từ 38 tới 73 với các thông tin chi tiết về thói quen giấc ngủ đồng thời thực hiện việc theo dõi các thông số thực tế trong khoảng 6,5 năm liên tục.
Trong suốt thời gian nghiên cứu, đã có hơn 10.000 người thuộc nhóm tình nguyện trên qua đời vì nhiều lý do kahcs nhau. Khi so sánh các trường hợp tử vong này với những gì họ đã mô tả trước đó về thói quen sinh hoạt, các nhà khoa học đã xác nhận số lượng “cú đêm” chiếm tới 10% trong tổng số các trường hợp đã tử vong. Hơn nữa, những người có thói quen thức khuya nói chung còn thường xuyên được ghi nhận ở trong trạng thái sức khỏe kém với nguy cơ cao mắc các bệnh lý liên quan tới tâm lý, thần kinh, tiêu hóa, bài tiết… Trong số dó, các vấn đề liên quan tới thần kinh và tiêu hóa là phổ biến nhất đối với các “cú đêm”.
Mặc dù nghiên cứu hiện tại chưa đưa ra lý giải cho câu hỏi tại sao thức khuya lại là nguyên nhân gây ra các vấn đề nói trên nhưng theo các nghiên cứu khác thì những người thức khuya thường ăn uống không khoa học hay thậm chí có xu hướng tiêu thụ nhiều đồ uống có cồn cũng như hút thuốc lá nhiều hơn. Ngoài ra “cú đêm” thường khó hòa đồng với xã hội bởi thời gian ngủ và thức “lệch pha” của mình, điều này có liên quan tới hiện tượng béo phì và tiêu hóa kém của cơ thể.
Trước khi có những kết luận cụ thể hơn thì ít nhất chúng ta cũng nên có những động thái điều chỉnh đồng hồ sinh học và thói quen sinh hoạt của mình cho khoa học hơn, tránh trở thành nạn nhân của những mặt trái của thói quen thức khuya.
Theo: Gizmodo