Các triệu chứng thường gặp của là cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi về những sự việc không liên quan đến nhau hoặc các hoạt động hàng ngày trong vòng ít nhất 6 tháng. Những người bị GAD thường trầm trọng hóa các vấn đề liên quan đến sức khỏe, tiền bạc hay các mối quan hệ trong gia đình, xã hội một cách vô cớ.
GAD thường xảy ra trong phạm vi gia đình, vì các vấn đề xảy ra thường nhất như ốm đau hay thất nghiệp hoặc những việc tương tự cũng có thể gây nên GAD. Tuy nhiên cũng có những trường hợp xảy ra do 1 thay đổi đột xuất như 1 người thân vừa mất cũng có thể làm bạn cảm thấy dễ bị tổn thương khi ở một mình. Về khía cạnh sức khỏe nếu bạn quá lo lắng thì có thể dẫn đến việc ngăn cản bạn có 1 lối sống lành mạnh hơn, kiểu như không dám tập thể dục vì nhỡ đâu lại bị chấn thương trong quá trình tập chẳng hạn.
Một trong những khó khăn trong phát hiện GAD là nhiều người không thừa nhận đó là 1 vấn đề cần quan tâm, vì với nhiều người trưởng thành việc phải quan tâm lo lắng trong cuộc sống có thể coi là 1 phần của cuộc sống, và chính nhờ điều đó mà họ có thể ngăn chặn được các điều tồi tệ hơn có thể xảy ra. Vì thế nên chỉ có khoảng 43% số người bị GAD hiện đang được điều trị tại Mỹ.
Bước đầu tiên và quan trọng nhất để xử lý thằng GAD này là bạn phải thừa nhận bạn đang có vấn đề về GAD, vì rất nhiều người biết rõ điều gì làm cho họ bị lo lắng và sợ hãi nhưng không có nhiều người dám đối mặt và dứt điểm nó. Tốt nhất là nếu bạn nghĩ bạn có vấn đề bạn nên đi gặp bác sỹ tâm lý để được đánh giá, chẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp.
Cách điều trị và kiểm soát GAD cơ bản là sử dụng liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) kết hợp với thuốc. Với CBT, một nhà tâm lý học hoặc nhà trị liệu sẽ làm việc với bạn để cùng nhau tìm ra xem có phải những kinh nghiệm không tốt trong quá khứ có phải là nguồn gây ra các lo lắng của bạn hay không.
Bước tiếp theo, họ sẽ tìm các mẫu tư duy tiêu cực gây ra cảm giác lo lắng của bạn và giúp bạn phát triển các chiến lược để hạn chế suy nghĩ tồi tệ và củng cố những điều tích cực mỗi khi lo lắng xảy ra. Thuốc chống lo âu cũng được sử dụng để giúp làm tăng các chất hoá học trong não có liên quan đến khả năng thư giãn và cảm thấy bình tĩnh của một người. Có thể điểm qua các dạng thuốc sẽ được sử dụng trong điều trị gồm:
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân có rối lọan lo âu lan tỏa đơn thuần hay kết hợp với trầm cảm
- Các thuốc ức chế lấy vào lại serotonin chọn lọc – SSRI. Hiệu quả của các thuốc SSRI tương tự các thuốc 3 vòng, các thuốc SSRI có các tác dụng ít gây cản trở điều trị hơn.
- Các thuốc ức chế lấy vào lại serotonin và norepinephrin SNRI:
Venlafaxin phóng thích kéo dài (Effexor XR), một thuốc ức chế lấy vào lại serotonin – norepinephrin, cũng đã chứng nhận được sử dụng bởi FDA cho điều trị cả rối lọan lo âu lan tỏa và trầm cảm, và hiệu quả khi bệnh nhân có cả hai bệnh lý này.
Khi rối lọan lo âu lan tỏa biến chứng đến trầm cảm rỏ rệt thì chúng có nguy cơ tự sát cao. Bệnh nhân nên được hỏi về các triệu chứng trầm cảm, kể cả ý tưởng tự sát. Nếu các câu trả lời gợi ý nguy cơ tự sát, lượng giá về tâm thần nên được thực hiện càng nhanh càng tốt.
Dưới đây là tiêu chuẩn Chẩn đoán rối loạn lo âu lan toả, các bạn có thể tham khảo qua
Bệnh nhân phải có các triệu chứng lo âu nguyên phát trong nhiều tuần và thường là nhiều tháng. Các triệu chứng đó gồm:
- Sợ hãi (lo lắng về sự bất hạnh trong tương lai, cảm giác dễ cáu, khó tập trung tư tưởng,...).
- Căng thẳng vận động (bồn chồn đứng ngồi không yên, đau đầu, run rẩy, không có khả năng thư giãn).
- Hoạt động thần kinh thực vật quá mức (ra mồ hôi, mạch nhanh, thở gấp, khó chịu vùng thượng vị, chóng mặt, khô miệng,...)
Tiêu chuẩn chẩn đoán theo DSM-V (mã số 300.02): DSM-V là từ viết tắt của Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (Cẩm nang Chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần) lần xuất bản thứ 5, với thêm nhiều thông tin mới.
A. Sự lo âu, lo lắng quá mức xảy ra trong nhiều ngày, kéo dài ít nhất 6 tháng ở nhiều sự kiện hoặc hoạt động ( như công việc, học tập).
B. Người bệnh khó kiểm soát được lo lắng.
C. Lo âu, lo lắng liên quan đến ít nhất 3 trong số 6 triệu chứng sau ( kéo dài từ 6 tháng trở lên):
Chú ý: Ở trẻ em chỉ cần 1 triệu chứng.
Mất thư giãn, bồn chồn hoặc cảm giác bực bội.
Dễ mệt mỏi.
Khó tập trung, đầu óc trống rỗng.
Dễ cáu gắt.
Căng cơ.
Rối loạn giấc ngủ (khó vào giấc ngủ hoặc khó giữ giấc ngủ, giấc ngủ không thoải mái).
D. Sự lo lắng, lo âu hay các triệu chứng cơ thể gây ra các triệu chứng rối loạn lâm sàng rõ rệt hoặc làm giảm sút các chức năng xã hội, nghề nghiệp, và các chức năng quan trọng khác.
E. Các rối loạn này không phải do tác động của một chất (ví dụ, lạm dụng ma túy) hoặc do một bệnh cơ thể khác (ví dụ, cường giáp).
F. Các rối loạn này không phải là của rối loạn tâm thần khác (ví dụ, lo có cơn hoảng sợ trong rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu xã hội [ám ảnh sợ xã hội], ám ảnh trong ám ảnh cưỡng bức, lo âu chia tách, rối loạn stress sau sang chấn, chán ăn tâm lý, rối loạn dạng cơ thể, rối loạn lo âu về bệnh, tâm thần phân liệt hoặc rối loạn hoang tưởng.
Hiện tại, không có chỉ dẫn chuyên môn từ Hoa Kỳ hay từ các nước Châu Âu cho xử trí rối lọan lo âu lan tỏa, ở Việt Nam chúng ta cũng vậy. Thế nên nếu cảm thấy mình có khả năng bị rối loạn lo âu hay nặng nề hơn là trầm cảm, các bạn nên lập tức đi khám để được các bác sỹ tư vấn nhé.
Tham khảo Harvard Health Publishing, Bệnh viện 103, Bệnh viện tâm thần TP. HCM
Ảnh Pexels, HypnotizeMe, Psycom