Từ năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới WHO sẽ đưa 'rối loạn chơi game' (gaming disorder) vào bảng danh sách Phân loại quốc tế về bệnh tật mới (ICD-11).
Đây là lần đầu tiên 'rối loạn chơi game' (gaming disorder) được đưa vào danh sách này của Tổ chức Y tế thế giới WHO, có nghĩa là 'rối loạn chơi game' sẽ được xem là một dạng bệnh lý tâm thần. ICD-11 là bản cập nhật mới nhất kể từ ICD-10 ra đời từ 18 năm trước, vẫn còn đang ở dạng bản thảo trước khi được công bố chính thức vào 2018.
Theo định nghĩa mới trong danh sách này, những người bị 'rối loạn chơi game' là những người coi game hơn tất thảy mọi thứ trong cuộc sống của họ, tiếp tục chơi game nhiều hơn dù các hậu quả tiêu cực đã xảy ra và khả năng kiểm soát hành vi của họ bị giảm do chơi game.
Hành vi chơi game này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, các mối quan hệ, nghề nghiệp,… của người đó và tình trạng kéo dài từ 1 năm trở lên. Những người bị nghi nằm trong diện này sẽ được theo dõi và chẩn đoán trong vòng 1 năm, hoặc có thể ít hơn nếu đối tượng có các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Hiện nay, trên thế giới ước tính có từ 2 - 20% tỉ lệ người chơi game có vấn đề về sức khỏe tâm thần. WHO cho rằng ảnh hưởng từ việc nghiện game nghiêm trọng hơn là nghiện smartphone hoặc Internet. Đa số game hiện nay có nội dung xoay quanh các vấn đề bạo lực và khiến người chơi chìm đắm vào thế giới của máu me, súng ống và chém giết.
Người đại diện của WHO từ Ban Y tế tâm thần và Lạm dụng Chất gây nghiện cho biết: 'Các chuyên gia y tế cần xem rối loạn do chơi game có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới sức khoẻ. Hầu hết những người chơi game không có rối loạn này, giống như hầu hết những người uống rượu cũng không có rối loạn sức khỏe. Tuy nhiên, trong một số trường hợp lạm dụng quá mức có thể dẫn đến các hiệu ứng tiêu cực'.
WHO không phải là tổ chức đầu tiên liệt nghiện game vào danh sách gây ra bệnh lý tâm thần. Trước đó, APA (Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ) đã đưa ra một danh sách gồm các triệu chứng của 'rối loạn chơi game trên Internet'.