Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương vừa đề xuất Bộ GTVT chấp thuận chủ trương nghiên cứu khả thi dự án ga hàng không trung chuyển.
'Cũ người, mới ta”
Phó chủ tịch Tập đoàn Nguyễn Thị Bảo Quỳnh cho biết, ga hàng không trung chuyển là mô hình ga hàng không nằm ngay tại trung tâm thành phố. Hành khách có thể check-in, nhận thẻ lên máy bay và gửi hành lý ngay tại ga này sau đó lên xe buýt ra sân bay và lên máy bay mà không mất nhiều thời gian trong phòng chờ.
Hành khách xếp hàng làm thủ tục check-in tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - Ảnh: Phan Tư
“Ga hàng không trung chuyển sẽ có các quầy làm thủ tục chung cho tất cả các hãng hàng không, không phục vụ riêng bất kỳ một hãng nào”, bà Quỳnh nói và nhấn mạnh thêm: Ga này thuần túy phục vụ cho hành khách (quầy check - in làm thủ tục lên máy bay, gửi hành lý, xe đưa đón từ trung tâm thành phố ra sân bay…), hoàn toàn không liên quan đến các hoạt động bay (không có sân bay, bãi đỗ máy bay, hệ thống điều khiển bay…). Về bản chất, ga trung chuyển không phải là “ga hàng không”.
Theo nhiều chuyên gia, ga hàng không trung chuyển là mô hình hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ ở Việt Nam, song đã rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới như tại: Tokyo, Osaka (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Kuala Lumpur (Malaysia), Makkasan (Thái Lan), Vienna (Áo), Đài Loan, Hong Kong…
Khẳng định đề xuất của Tập đoàn Đông Dương “phù hợp với chỉ đạo của Bộ GTVT về việc giảm tải cho người đưa tiễn, phương tiện ra vào khu vực sân bay Tân Sơn Nhất”, TCT Cảng hàng không VN (ACV) thống nhất về tính khả thi của đề án. Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng cho biết, đơn vị này sẽ tiếp tục cùng đơn vị xây dựng đề án nghiên cứu hoàn thiện các quy trình hàng không theo đúng pháp luật hiện hành, đảm bảo an toàn, hiệu quả trong khai thác và tiện nghi cho hành khách. ACV cũng kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận cho Tập đoàn Đông Dương về chủ trương thiết lập Trung tâm Dịch vụ hàng không - Ga hàng không trung chuyển.
Chưa đủ cơ sở đánh giá hiệu quả
Đánh giá về mô hình nhà ga hành khách trung chuyển, Cục Hàng không VN cho biết, ưu điểm của mô hình này là hành khách được làm thủ tục tại trung tâm thành phố, qua đó góp phần giảm tải cho nhà ga cảng hàng không; Giảm được lượng phương tiện cá nhân ra/vào cảng hàng không. Ngoài ra, nhà ga hành khách trung chuyển thường kết hợp với khu trung tâm thương mại, làm tăng dịch vụ tiện ích cho khách hàng (giải trí, nhà hàng, mua sắm…).
Địa điểm đề xuất xây ga trung chuyển nằm chính tại dự án hầm đỗ xe Trống Đồng ngay trung tâm quận 1, tại nhà ga số 2 tuyến Metro 2 và ngay gần chợ Bến Thành của Tập đoàn Đông Dương đã được UBND TP HCM phê duyệt. Vị trí dự án cũng dễ dàng kết nối với hầm Thủ Thiêm - cao tốc Long Thành để phục vụ sân bay Long Thành sau này.
Được biết, dự án hầm đỗ xe Trống Đồng đã được chấp thuận về chủ trương 40% diện tích thương mại và 60% diện tích đỗ xe. Tuy nhiên, do việc kinh doanh mặt bằng thương mại cho thuê đang có xu hướng thoái trào, kinh doanh bán lẻ nhường chỗ cho thương mại điện tử, do đó Tập đoàn Đông Dương nhận thấy nếu điều chỉnh công năng của phần thương mại sang chức năng nhà ga hàng không trung chuyển là phù hợp.
Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình này là có nguy cơ hành khách đã làm thủ tục hàng không đến muộn, không kịp giờ khởi hành của chuyến bay, gây khó khăn cho việc xử lý của đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không. Đó còn chưa nói đến việc tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh khi vận chuyển hành lý trên xe buýt đến cảng hàng không.
Đối với đề xuất của Tập đoàn Đông Dương, Cục Hàng không cho rằng, hiện “chưa đủ cơ sở để đánh giá về sự cần thiết, tính cấp bách và tính hiệu quả của mô hình nhà ga hành khách trung chuyển áp dụng cho TP Hồ Chí Minh”.
Cụ thể, cơ quan này cho biết, hiện chưa có báo cáo chi tiết về quy trình phục vụ hành khách, hành lý đảm bảo tính kết nối đồng bộ với nhà ga hành khách tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất; Chưa xây dựng phương án đảm bảo an ninh, an toàn trong việc vận chuyển hành khách, hành lý đến sân bay; Chưa đánh giá ảnh hưởng của hệ thống giao thông quanh khu vực CHK quốc tế Tân Sơn Nhất (như tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay) đối với việc vận chuyển hành lý, hành khách từ nhà ga trung chuyển đến sân bay.
Cuối cùng, Cục Hàng không VN cho rằng, do chưa lập khái toán, tiến độ dự kiến triển khai dự án nên cũng chưa đủ cơ sở đánh giá hiệu quả đầu tư. Để có sơ sở xem xét việc áp dụng, triển khai mô hình nhà ga hành khách trung chuyển tại TP HCM, Cục Hàng không VN kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo ACV khảo sát thực tế các mô hình nhà ga trung chuyển hành khách tại một số nước trên thế giới, lập đề án nghiên cứu áp dụng tại TP HCM.
“Đề án cần làm rõ quy trình phục vụ hành khách, hành lý ký gửi; Phương án đảm bảo an ninh, an toàn; Phương án vận chuyển hành khách, hành lý ký gửi đến CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và khái toán, tiến độ dự kiến cũng như phương án triển khai dự án”, Cục Hàng không VN kiến nghị.
Báo Giao thông