Nathan Ruser, một thành viên của Viện nghiên cứu xung đột Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng có thể dễ dàng nhìn vào tấm bản đồ của Strava và đối chiếu với những địa điểm quân đội đã công bố trước đây để suy ra những căn cứ quân sự tại vùng chiến. Thậm chí, ông còn đăng tải lên Twitter một số bằng chứng cho thấy có thể dễ dàng dùng bản đồ của ứng dụng để xác định đoạn đường tập thể dục, hành quân, tuần tra và cả địa điểm của những điểm tác chiến của quân đội Mỹ ở Afghanistan.
Kỳ thực trước đây Google Maps cùng các vệ tinh hình ảnh trên quỹ đạo đã có thể bị lợi dụng để xác định địa điểm các cơ sở quân sự trên toàn cầu. Tuy nhiên Google Maps mới chỉ cho thấy địa điểm của các công trình quân sự hoặc đường đi, còn bản đồ của Strava thì cung cấp thêm nhiều thông tin “hữu ích” khác như: cách con người di chuyển trên các khu vực này, tần suất di chuyển và tất cả đều là những mối đe dọa tới từng người.
Thí dụ như từ 2 bức bản đồ trên đây, người ta có thể dễ dàng đối chiếu địa điểm của những con đường cũng như các công trình từ Google Maps và biết được những người ở đó đang di chuyển như thế nào. Ruser cho biết tương tự như vậy, ai cũng có thể xác định được các căn cứ của liên quân ở Syria và các công trình quân sự ở Afghanistan. Thậm chí họ còn có thể phóng to các địa điểm này lên để xác định đâu là nơi tập trung nhiều người và khí tài nhất.
Đại tá không lực Mỹ John Thomas cho biết “quân đội Mỹ đang nghiên cứu các tác động của loại bản đồ nói trên.” Còn phía Strava thì cho biết họ “cam kết sẽ giúp người dùng nhận thức rõ hơn về các cài đặt quyền riêng tư” và tấm bản đồ lần này “chỉ đại diện cho cái nhìn tổng thể về hơn 1 tỷ hoạt động thể thao do người dùng ẩn danh đăng tải lên nền tảng của họ. Bản đồ đã loại trừ những hoạt động nằm trong khu vực xác nhận trước đây là riêng tư hoặc vùng cấm.”
Trên thực tế đây không phải là lần đầu tiên quân đội Mỹ đối mặt với các vấn đề về bảo mật do binh lính đeo các thiết bị có chức năng theo dõi địa điểm. Hiện các quân nhân đã bị cấm mang theo thiết bị điện tử cá nhân như điện thoại hoặc máy tính bản vào các khu vực nhạy cảm. Còn nhớ hồi năm 2016, quân đội Mỹ cũng đã cấm cài Pokemon Go trên các máy điện thoại có liên quan tới chính phủ, đồng thời còn khuyến cáo binh linh không dùng các ứng dụng có tag địa điểm.
Chung quy lại, không chỉ có quân sự mà trường hợp lần này của Strava còn cho thấy người dùng cần phải nhận thức rõ hơn về bản chất của những thông tin mà thiết bị thu thập từ đời sống và đưa ra thế giới. Có thể chỉ một người dùng ứng dụng thì chỉ có thông tin hoạt động cá nhân của họ bị lộ nhưng lượng lớn người cùng xài thì tập dữ liệu đó sẽ tiết lộ hành vi của cả một cộng đồng. Nếu bị lợi dụng cho ý đồ xấu thì rõ ràng là từ vi mô tới vĩ mô đều có thể bị hại.