“Loài người chúng ta thường có xu hướng trở nên quá tự tin và lạc quan”, ông Keith O 'Brien đến từ Trung tâm nghiên cứu về thay đổi hành vi, Đại học College London (Anh), cho biết. “Cứ đến tháng 1, mọi người lại có xu hướng liệt kê ra hết tất cả những điều họ muốn làm, và kết quả là họ phải cố để thực hiện quá nhiều thứ”.
Vậy điều gì khiến những người thành công khác biệt với chúng ta? O’Brien cho rằng việc đặt ra các mục tiêu nhưng lại không có kế hoạch cụ thể để đạt được chúng rõ ràng là công thức hoàn hảo nhất để đưa đến thất bại.
“Nếu bạn đề ra những mục tiêu vào ngày 1/1, trước đó bạn nên chuẩn bị cho mình bằng những thay đổi nhỏ”, ông nói, chẳng hạn như việc không ăn như món ăn nhẹ không lành mạnh ngay tại nhà nếu muốn bỏ luôn thói quen dùng thức ăn nhanh.
Chìa khóa ở đây là bạn cần phải chia mục tiêu lớn của mình ra thành các mục tiêu nhỏ, và cách này thường được gọi là phương pháp SMART (Specific: chi tiết - Measurable: có thể đong đếm - Attainable: có thể đạt được - Realistic: thực tế - Timely: thời hạn cụ thể). Do đó, thay vì đưa ra mục tiêu là “Học tiếng Anh”, bạn có thể điều chỉnh nó theo tiêu chí của SMART, chẳng hạn như: từ ngày 1/1 năm 2018, tôi sẽ ghi danh vào một lớp dạy tiếng Anh và bỏ ra ít nhất 3 tiếng một tuần để thực hành. Đến tháng 8, tôi phải nhận được chứng chỉ TOEIC 550.
Bên cạnh đó, ông O’Brien còn cho rằng việc xây dựng một mạng lưới hỗ trợ xung quanh cũng có thể giúp chúng ta tăng khả năng đạt được mục tiêu của mình hơn. Bằng cách làm cho bạn bè và người thân biết về mục tiêu của mình, bạn có thể gia tăng khả năng bám đuổi mục tiêu đó hơn. 'Phải mất đến 65 ngày để phá vỡ một thói quen', theo ông O'Brien, “và bạn cần phải phải tăng cường sự quyết tâm để thực hiện điều đó”.