Alberto Posso thuộc Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (Úc) đã tiến hành phân tích dữ liệu từ các học sinh trung học trên khắp cả nước vào năm 2012, thông qua Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Pisa). Các khía cạnh mà nghiên cứu xem xét bao gồm mối tương quan giữa điểm số học tập, lợi ích cá nhân của trẻ em và các hoạt động ngoại khóa, trong đó có cả việc sử dụng mạng Internet.
Posso, người đã công bố nghiên cứu của mình, cho biết: 'Qua phân tích cho thấy những học sinh chơi game trực tuyến nhận được điểm số cao hơn trong các bài kiểm tra Pisa. Khi bạn chơi trò chơi trực tuyến, bạn đang giải quyết các câu đố để chuyển sang cấp độ chơi tiếp theo, và nó có liên quan đến việc sử dụng một số kiến thức tổng quát và kỹ năng toán học, kỹ năng đọc và khoa học mà bạn đã được dạy”.
Ông kết luận người dùng các trang mạng xã hội như Facebook hay Twitter nhiều khả năng nhận điểm số thấp hơn 4% so với mức trung bình, và nếu thường xuyên hơn sử dụng mạng xã hội hơn, sự khác biệt này càng lớn hơn. Cũng theo kết quả nghiên cứu, 78% thanh thiếu niên cho biết họ sử dụng mạng xã hội mỗi ngày.
Trước đây, một số nghiên cứu khác cũng cho thấy mối liên kết giữa những người sử dụng nhiều mạng xã hội và khả năng chú ý thấp, dẫn đến kết quả học tập kém hơn. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều bằng chứng xác minh điều này. Peter Etchells, giảng viên cao cấp ngành tâm lý sinh học tại Đại học Bath Spa (Anh), người đã không tham gia vào cuộc nghiên cứu, cho biết: 'Thật thú vị khi nghiên cứu này cho thấy mối tương quan tích cực giữa chơi game trực tuyến và kết quả học tập, nhưng chúng tôi thực sự cần những cách thức tốt hơn để hiểu bọn trẻ đã chơi game như thế nào và tại sao'.
'Một số nhà nghiên cứu đã cố gắng làm rõ vấn đề này trong một thời gian nhưng chúng tôi thực sự cần nghiên cứu chi tiết hơn, cũng như dữ liệu đầy đủ hơn để trả lời những câu hỏi một cách tự tin hơn'. Các nghiên cứu khác về tác động của trò chơi điện tử đối với thành tích học tập cũng đã cho kết quả tương tự. Ngoài ra, chơi game cũng có thể giúp đỡ trong việc giải quyết các nhiệm vụ phức tạp, tăng khả lý luận hoặc các kỹ năng. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Columbia cho thấy việc chơi game ở trẻ em từ 6 - 11 tuổi cũng làm gia tăng khả năng trí tuệ và năng lực học tập.