Các bạn lưu ý là bài này sẽ spoil nặng nội dung của phim, nên nếu chưa xem phim và có ý định xem phim thì bạn nên ra rạp trước khi đọc tiếp.
Đầu tiên là một số nhân vật chính trong phim, các hình dưới đây là so sánh nhân vật trong phim và người ngoài đời thật thủ vai. Hầu hết các nhân vật trong rạp xiếc của Barnum đều có thật ngoài đời, bao gồm người phụ nữ có râu, người sói với mặt đầy lông, người xăm kín mặt vv và vv.
NHỮNG CÂU HỎI: CÁI NÀO LÀ PHIM CÁI NÀO LÀ THẬT?
Nhân vật của Zac Efron - Phillip Carlyle có thật không?
Trong phim có chuyện tình yêu giữa Phillip Carlyle và Anne Wheeler, tiếc là nhân vật này không có thật mà chỉ là hư cấu thôi. Nhân vật Phillip được tạo ra để thêm một điểm nhấn, thêm một tuyến nhân vật cho phim.
Nhân vật của Zendaya - Anne Wheeler có thật không?
Tiếc là nhân vật của Zendaya cũng là một nhân vật hư cấu. Zendaya xuất thân từ Disney, trong phim cô đóng vai một diễn viên xiếc nhào lộn, cô đã phải lòng và yêu Phillip Carlyle. Do Anne là người da màu mà lại quan hệ tình cảm với người da trắng nên đã chịu rất nhiều áp lực. Nhân vật này và chuyện tình trong phim là hư cấu, không có nhân vật như vậy trong rạp xiếc của Barnum.
P.T Barnum bị phá sản khi ông mở viện bảo tàng đúng không?
Có lẽ phần nào đúng, tuy nhiên không phải giống phim, ông không bị sa thải vì văn phòng đóng cửa. Sự thật là lúc này Barnum mở công ty bán xổ số, sau đó Connecticut cấm các hoạt động xổ số, vậy là Barnum bán cửa hàng tạp hoá, vốn có thu nhập chính là bán vé số và dọn đển New York, ở đây ông bắt đầu làm bầu show.
Sau đó ông mở nhà hát tạp kỹ Barnum's Grand Scientific and Musical Thearther, nhà hát này hoạt động khá thành công vào năm 1836. Đến năm 1837 thì xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ (lịch sử gọi là The Panic of 1837), cuộc khủng hoảng này kéo theo 3 năm khó khăn dành cho Barnum. Sau đó ông mua lại viện bảo tàng Scudder's American Museum và đổi tên thành Barnum's American Museum. Bảo tàng này cũng giúp ông đạt được thành công nhất định trong lĩnh vực tài chính.
Người ta có biểu tình chống lại các cuộc biểu diễn của P.T Barnum như trong phim không?
Có lẽ là có thật, thời này người ta vẫn còn rất nặng thành kiến về việc ca hát tạp kỹ, nhất là việc trưng bày và sử dụng những người bị xem là 'kỳ dị', 'dị dạng' và cho rằng việc đi xem những người này là tội lỗi. Vào năm 1865 bảo tàng Barnum bị cháy, nhiều người nuối tiếc nhưng cũng nhiều người vui mừng ra mặt vì không còn cái gai trong mắt.
P.T Barnum và ca sĩ Jenny Lind có tình ý gì với nhau không?
Không, trong phim thì P.T Barnum (Hugh Jackman) lúc đầu bị choáng ngợp với ca sĩ Thuỵ Điển Jenny Lind (Rebecca Ferguson). Nhưng sau đó nữ ca sĩ này nghỉ diễn vì bị Hugh Jackman từ chối tình cảm. Bộ phim này gây tổn hại đến hình ảnh của Jenny Lind ngoài đời thật bằng cách miêu tả bà là một người dễ bị say nắng.
Jenny Lind ngoài đời thật - Còn được gọi là Hoạ mi Thuỵ Điển (bên phải) chưa hề có tình cảm với P.T Barnum
Ngoài đời thật thì lý do Jenny Lind đồng ý đi lưu diễn với P.T Barnum là vì Barnum đã đồng ý chi rất nhiều tiền (350,000 USD, tương đương với 10 Triệu USD vào bây giờ). Tuy nhiên Jenny Lind không xài một xu nào từ số tiền này, bà dùng hết tiền cho việc từ thiện, bà đã đóng góp toàn bộ tiền cho các trường học ở Thuỵ Điển.
Ngoài đời thật bà Jenny Lind bỏ chuyến lưu diễn bởi vì bà cảm thấy khó chịu với việc P.T Barnum liên tục dùng những từ ngữ sáo rổng, đao to búa lớn để quảng bá các buổi hoà nhạc của bà. Sau khi diễn được 93 buổi và xem như thu hoà vốn mọi chi phí cho hai bên, bà ngưng hợp tác với Barnum. Bà tiếp tục đi lưu diễn với một quản lý khác, vào năm 1852 bà lấy Otto Goldschmitdt là một nhạc trưởng kiêm soạn nhạc và pianist người Đức.
P.T Barnum đem người lùn Charles Startton vào rạp xiếc năm 22 tuổi đúng không?
Không, người lùn Charles Sherwood Stratton - tên sân khấu là General Tom Thumb được Barnum đưa vào rạp vào năm 4 tuổi mà thôi, không phải là 22 tuổi như trong phim. Ngoài đời thì Stratton và Barnum là bà con xa, có họ hàng với nhau.
Như ta có thể thấy như trong phim có diễn tả, việc đưa Tom Thumb vào rạp xiếc phần nào giảm đi định kiến của người đời về việc rạp sử dụng những người có ngoại hình không giống đại đa số.
Bảo tàng của Barnum có bị cháy thật không?
Có, ngoài đời thật thì bảo tàng Barnum's American Museum bị cháy rụi, sự cố xảy ra vào 13 tháng 7, 1865. Nguyên nhân vụ cháy đến nay vẫn không rõ ràng. Tuy nhiên có giả thuyết cho rằng việc ủng hộ công đoàn cua Barnum cũng bị nhiều người phản đối.
Nếu việc bảo tàng của Barnum bị đốt là do phá hoại, có khả năng là do những người chống đối công đoàn gây nên chứ không liên quan đến việc rạp xiếc của ông. Sau khi bảo tàng bị cháy năm 1865, ông mở tiếp 1 bảo tàng khác nhưng lại bị đốt cháy tiếp vào 1868, sau sự việc này thì ông dành toàn thời gian cho rạp xiếc.
P.T Barnum mở rạp xiếc năm bao nhiêu tuổi?
Ngoài đời thật thì Barnum làm rạp xiếc khi ông gần 60 tuổi, 5 năm sau khi bảo tàng bị cháy. Phim The Greatest Showman nói Barnum làm rạp xiếc sớm hơn là không đúng so với đời thật.
Tuy nhiên, cũng giống phim, việc bảo tàng bị cháy khiến ông dồn hết lực cho rạp xiếc, ông cũng là người tiên phong hoạt động rạp xiếc trong các lều lớn với sân khấu tròn nằm giữa. Vào năm 1870 Barnum hợp tác với chủ rạp xiếc William Cameron Coup và Dan Castello - xây dựng nên gánh xiếc P.T Barnum's Grand Travelling Museum, Menagerie, Caravan and Hippodrome. Gánh xiếc này sau đó được biết đến như là 'Show diễn tuyệt vời nhất hành tinh'.
Vào năm 1875 Barnum nắm quyền hoàn toàn rạp xiếc, 6 năm sau ông hợp tác với A. Bailey và James L. Hutchinson, đây có thể nói là sự hợp tác thành công nhất của Barnum, sinh ra các lớp diễn như Jumbo - chú voi 6.5 tấn. Vào năm 1887 rạp xiếc đổi tên thành Barnum and Bailey Brothers Greatest Show on Earth. Barnum qua đời năm 1891, trở thành một trong những người giàu nhất và thành công nhất nước Mỹ lúc bấy giờ.
P.T Barnum có phải là một người tốt bụng ?
Có nhiều tranh cãi về vấn đề này, phim The Greatest Showman mô tả Barnum là một người giàu lòng nhân, đón nhận những người mà vào những năm 1800 bị xã hội ruồng bỏ, cưu mang và giúp đỡ họ.
Thật sự thì vào thời đó nhiều người cho rằng việc làm của Barnum là lơi dụng những người không ai chấp nhận này để kiếm tiền, tuy Barnum là người chống lại việc mua bán nô lệ, nhưng sử dụng những người kỳ dị, trưng bày họ, đem họ ra kiếm tiền thì nhiều ngừoi cho rằng cũng chẳng lấy gì thanh cao.
Người ta cho rằng vào năm 1835, khi mới bước vào sự nghiệp bầu show, Barnum từng mua một nô lệ người da đen tên Joice Heth, bà này đã già, bị mù và gần như là liệt toàn thân. Barnum quảng cáo rằng bà là vú em của George Washington và đã 161 tuổi. Thực ra bà chỉ 80 tuổi, bà chết sau đó một năm, vào 1835.
Diễn viên Rebecca Ferguson có hát thật khi diễn vai Jenny Lind không?
Tất cả các bài hát bạn xem trong phim đều do chính diễn viên đó hát, tuy nhiên vai diễn Jenny Lind của diễn viên Rebecca Ferguson lại không phải. Người hát bài Never Enough là Loren Allred.
Lorren Allred là người từng vào vòng chung kết cuộc thi The Voice. Diễn viên Rebecca Ferguson có học nhạc, nhưng cô không đủ tự tin để thể hiện giọng hát của Jenny Lind, người được xem là một trong những ca sĩ hay nhất mọi thời đại. Khi Rebecca Ferguson đứng hát trong phim, cô hát live trên giọng Lorren Allred trước dàn diễn viên để lấy cảm xúc thật. Huge Jackman đã động viên rất nhiều thì Rebecca Ferguson mới có gan nhận vai diễn này.
Tất cả nhạc trong phim được soạn bởi Benj Pasek và Justin Paul, là hai người viết nhạc cho phim La La Land.
Vợ của P.T Barnum - Charity có bỏ ông ấy không?
Trong phim có cảnh Charity bỏ Barnum về nhà bố mẹ vợ, thực ra ngoài đời không có chuyện này, Barnum và Jenny Lind không có tình cảm với nhau, không có chuyện có hình hai người hôn nhau lên báo. Trong tự truyện, Barnum viết rằng ông yêu Charity sâu đậm, và ngày ông cưới Charity ông trở thành chồng của một người phụ nữ tuyệt vời nhất thế giới. Hai người sống với nhau đến ngày 19/11 năm 1873 khi Charity qua đời, trải qua 44 năm chung sống.
Năm sau Barnum cưới Nancy Fish, hai người chung sống đến năm 1891 khi Barnum qua đời.
Rạp xiếc Barnum & Bailey Circus còn hoạt động không?
Không. Rạp xiếc đóng cửa vào ngày 21 tháng 5 năm 2017, sau 146 năm hoạt động liên tục. Trong quá trình hoạt động thì nhiều nhà bảo vệ động vật cũng chỉ trích rạp về việc đối xử không tốt với các con thú. Vào năm 2016 rạp phải ngưng lớp diễn với các chú voi. Áo quần trang phục trong phim là trang phục được mượn từ rạp xiếc này luôn. Rạp xiếc đóng cửa trước khi phim trình chiếu có 7 tháng.
Cám ơn các bạn, chúc các bạn vui và mong bài viết này được các bạn đón nhận
Bài viết tổng hợp từ History Vs Hollywood, IMDb